Trong suốt thế kỷ 20, giáo dục công lập về cơ bản là nhằm hỗ trợ nỗ lực phát triển công dân của quốc gia thông qua hình thức giáo dục bắt buộc đối với trẻ em và thanh niên. Tuy nhiên, ngày nay, khi phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại và hành tinh, việc đổi mới giáo dục trở thành một ưu tiên, nhiệm vụ cấp thiết nhằm giải quyết những thách thức chung này.
Những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt bao gồm biến đổi khí hậu, các hệ tư tưởng bạo lực và thù hận, mất đa dạng sinh học hàng loạt, các cuộc xung đột mới, nguy cơ bùng phát thêm nhiều đại dịch toàn cầu cùng các hệ lụy đi kèm, và còn rất nhiều khó khăn khác hiện hữu. Hệ thống giáo dục cần được định hướng lại để trang bị cho người học những kiến thức, giá trị và khả năng hành động vì sự bền vững và phát triển tích cực của tất cả mọi người và hành tinh, với tư cách là những công dân có trách nhiệm của cộng đồng toàn cầu.
“Giáo dục chuyển đổi” là gì?
Trong Mục tiêu phát triển bền vững - SDG4, Chương trình Nghị sự Giáo dục toàn cầu đến năm 2030, các cam kết xây dựng môi trường và văn hóa học đường tích cực chủ yếu được thể hiện trong 2 mục tiêu: Mục tiêu 4.a thúc đẩy “môi trường học tập an toàn, phi bạo lực, hòa nhập và hiệu quả”; Mục tiêu 4.7 hỗ trợ “kiến thức và kỹ năng thông qua giáo dục về phát triển bền vững và lối sống bền vững, về quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy văn hóa hòa bình, phi bạo lực và về công dân toàn cầu”.
Giáo dục chuyển đổi liên quan đến việc dạy và học nhằm thúc đẩy và trao quyền cho những người học để đưa ra các quyết định và hành động sáng suốt ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và toàn cầu. Người học phải tương tác với thế giới, tìm thấy sự gắn kết giữa thế giới mà họ trải nghiệm trong trường học và thế giới mà tất cả chúng ta mong muốn xây dựng bên ngoài trường học.
Để xây dựng thế giới lý tưởng đó, chúng ta cần học đọc và viết, cũng cần học cách hợp tác, đồng cảm, giải quyết vấn đề phức tạp, kết nối với người khác và thiên nhiên.
Giáo dục chỉ có thể “chuyển đổi” khi học sinh và giáo viên đều cảm thấy được đánh giá cao, được thừa nhận, cảm thấy hạnh phúc, được an toàn và được tham gia vào cộng đồng học tập với tư cách là những thành viên tích cực và đầy đủ. Hành trình này bắt đầu bằng cách ngăn chặn và giải quyết bạo lực học đường và bắt nạt, bạo lực trên cơ sở giới cũng như phân biệt đối xử liên quan đến sức khỏe và giới đối với người học và nhà giáo dục.
Ví dụ, giáo viên phải thay đổi cách giảng dạy của mình, đảm bảo rằng chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm, tài liệu học tập, trường học hoặc môi trường học tập có ý nghĩa trong bối cảnh tự nhiên, chính trị, kinh tế và văn hóa hiện nay.
UNESCO đã làm gì để thúc đẩy giáo dục chuyển đổi?
UNESCO đã kêu gọi lập một hợp đồng xã hội mới về giáo dục như một phần của báo cáo mang tính bước ngoặt về Tương lai của Giáo dục.
"Hợp đồng xã hội" là gì? Giáo dục có thể được nhìn nhận trong điều kiện của một khế ước xã hội - một thỏa thuận ngầm giữa các thành phần xã hội, cùng bắt tay hợp tác vì lợi ích chung. Không chỉ là một giao dịch, hợp đồng xã hội phản ánh các chuẩn mực, cam kết và nguyên tắc được chính thức lập pháp, và gắn liền với văn hóa.
Hợp đồng xã hội mới về giáo dục phải đoàn kết chúng ta với những nỗ lực tập thể, cung cấp kiến thức và sự đổi mới cần thiết để định hình tương lai bền vững và hòa bình cho tất cả. Và hợp đồng xã hội, trong báo cáo của UNESCO, đề cao vai trò của giáo viên.
Các chương trình của UNESCO về giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD), giáo dục quyền công dân toàn cầu (GCED), giáo dục về sức khỏe và hạnh phúc đều là trọng tâm để đạt được tầm nhìn này, đảm bảo giáo dục mang tính chuyển đổi cho mọi học sinh ở mọi quốc gia.
Tổ chức hướng tới mục tiêu chuyển đổi hệ thống giáo dục để người học ở mọi lứa tuổi có thể hỗ trợ chăm sóc lẫn nhau và bảo vệ hành tinh, nhằm tạo ra các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững hơn.
Diễn đàn UNESCO lần thứ 5 về giáo dục chuyển đổi là gì?
Diễn đàn UNESCO lần thứ 5 về chuyển đổi giáo dục vì sự phát triển bền vững, quyền công dân toàn cầu, sức khỏe và hạnh phúc là một sự kiện trực tuyến sẽ được tổ chức từ ngày 29/11-1/12/2021 tại Seoul, Hàn Quốc.
UNESCO và Trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO về Giáo dục cho Sự hiểu biết quốc tế (APCEIU) sẽ tập hợp các chuyên gia về giáo dục phát triển bền vững, giáo dục quyền công dân toàn cầu, giáo dục sức khỏe và hạnh phúc - nhằm thảo luận về các thực hành tốt, tiến bộ, cơ chế giám sát và lồng ghép giáo dục chuyển đổi theo định hướng của Mục tiêu phát triển bền vững mục tiêu 4.7.
Các phiên khai mạc, bế mạc và toàn thể của Diễn đàn sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh YouTube của UNESCO.