Điều quan trọng nhất lại bị xem nhẹ nhất

(Ngày Nay) - Năm 2015, cả nước có 7.620 vụ tai nạn lao động, số người chết là 666. Năm 2016, số vụ tai nạn lên gần 8.000 vụ và hơn 860 người chết. Sang năm 2017, tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng liên tiếp các vụ tai nạn lao động đau thương đã vxảy ra. Số vụ tai nạn cũng như mức độ nghiêm trọng “nhích” theo từng năm. Vấn đề an toàn lao động - điều quan trọng nhất liên quan đến tính mạng người lao động bao năm nay vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Vụ sập giàn giáo Fomosa là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng năm 2015
Vụ sập giàn giáo Fomosa là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng năm 2015

Thợ cả gặp nạn

Nửa đầu năm 2017 qua đi với số vốn dằn bụng chẳng được bao nhiêu, anh Đạt (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đăng kí nhận thật nhiều “mối” để kiếm một cái Tết Nguyên đán ấm áp cho vợ và 3 con ở quê. Đội thợ xây “bôn ba” với anh Đạt ai cũng thừa nhận, anh giỏi lắm. Anh là thợ xây chính, tay nghề tích lũy từ những ngày 16-17 tuổi theo chân người lớn đi phụ hồ, cùng kinh nghiệm xuôi ngược xây nhà khắp 30 quận huyện trong Hà Nội, anh Đạt chẳng ngại ngần việc gì. Áp lực, vất vả, nguy hiểm trong nghề thợ xây không còn lạ lẫm với anh.

Vậy mà, tai nạn đến với anh bất ngờ trong vài tích tắc. Đầu tháng 6/2017, anh Đạt bất ngờ bị điện giật khi đang thực hiện đổ mái tầng 4 một ngôi nhà trong nội thành Hà Nội. Thợ xây cùng làng kể lại, đường dây điện bị đứt trong quá trình “tời” vật liệu xây dựng từ mặt đất lên tầng 4 đổ mái khiến anh Đạt bị giật điện rơi xuống đất. Tất cả “xúm” lại đưa anh đi cấp cứu ở viện Bỏng Quốc gia, nhưng không kịp. Anh qua đời, bỏ lai người vợ hơn 30 tuổi cùng 3 đứa con lít nhít, đứa lớn nhất còn chưa đi học. Số tiền hỗ trợ mà gia đình thuê anh Đạt xây nhà gửi đến và của các an hem trong đội thợ đã “cạn” ngay khi cả nhà chạy vạy lo đám tang cho anh.

Nhóm thợ xây cùng anh Đạt giờ kể về tai nạn của anh như một bài học để rút kinh nghiệm. Sau cái chết của người thợ cả, họ lại tạm quên nỗi đau, lại nhận công trình, tăng ca cuối năm. Mỗi người có một gánh lo riêng chẳng ai giúp ai…

Điều quan trọng nhất lại bị xem nhẹ nhất ảnh 1Ảnh minh họa

Những cái chết thương tâm trong khi đang làm việc như anh Đạt không phải là hiếm. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh xã hội, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng lúc nào cũng đứng vị trí số 1, tỉ lệ cao nhất suốt nhiều năm qua. Số vụ tai nạn lao động xây dựng chiếm khoảng 35 - 37% tổng số vụ tai nạn toàn quốc.

Năm 2016, Bộ LĐTBXH đã phải phối hợp với Tổng LĐ LĐVN và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đi thanh tra toàn diện trên toàn quốc ở lĩnh vực xây dựng để chỉnh đốn vấn đề an toàn lao động trong ngành này.

Tuy nhiên, sang năm 2017, tình hình tai nạn lao động trong ngành này vẫn không có dấu hiệu chững lại...

Càng trẻ càng… dễ chết

Thống kê đưa ra hòio đầu năm 2017 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, trong năm 2016, trên phạm vi toàn quốc xảy ra 7.980 vụ tai nạn lao động, làm 8.251 người lao động gặp nạn. Nếu như ở giai đoạn 1995 - 2005, trung bình có 2.600 vụ tai nạn lao động mỗi năm, số người chết do tai nạn lao động là 260 người/năm thì đến giai đoạn 2006 – 2016 đã tăng lên với trung bình 6.000 vụ TNLĐ/năm, số người chết 600 người/năm.

Theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), con số thực tế có thể gấp 3 - 4 lần số liệu trên giấy vì thông tin người lao động bị tai nạn thường bị doanh nghiệp “ém” thông tin để tránh tai tiếng.

Nói về những con số, trong cuộc hội thảo “Vai trò của Công đoàn trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hồi tháng 5/2017, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết: nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với gia đình của nạn nhân như đưa ra mức đền bù 100 - 200 triệu đồng nhằm tránh việc gia đình công khai với pháp luật. Doanh nghiệp tìm cách “ém” thông tin về tai nạn lao động. Con số thống kê của ngành lao động và ngành y tế có sự chênh lệch gần gấp đôi, trong đó ngành y tế báo cáo có khoảng 1.500 tai nạn lao động thông qua việc người nhà nạn nhân khai báo khi nhập viện, trong khi đó ngành lao động báo cáo gần 800 vụ tai nạn.

Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn tổ chức gần 100.000 cuộc (lớp) tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho gần 6.500.000 người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ công đoàn

Cũng theo thống kê của ILO, người trẻ trong độ tuổi 15-24 – lứa tuổi đáng lẽ phải là người nhanh nhạy, ứng phó kịp thời trước nguy hiểm lại là đối tượng dễ gặp tai nạn lao động nhất, dễ tử vong nhất do không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn lao động. Tỷ lệ tai nạn cao nhất trong nhóm này là lao động từ 18-19 tuổi, trung bình cứ 1.000 lao động độ tuổi này thì có 63 lao động dính tai nạn tại nơi làm việc.

“Hãy tưởng tượng bạn là một cậu bé 17-18 tuổi, trong tuần đầu tiên làm việc ở nhà máy, ít kinh nghiệm, bỡ ngỡ với môi trường, khả năng bạn gặp chấn thương hay tai nạn là rất cao do không được hướng dẫn cụ thể về an toàn lao động” -  ông Dylan Tromp, trưởng dự án Youth4OSH, một dự án thuộc ILO về an toàn lao động cho thanh niên lý giải nguyên nhân.

Những người trẻ làm việc không có hợp đồng, không có những điều kiện tối thiểu về đảm bảo an toàn lao động, lại non nớt về hiểu biết chính là nhóm lao động bị đe dọa tính mạng cao nhất. Nhóm này lại là nhóm đang chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta.

Không chỉ riêng ở Việt Nam và các nước châu Á, theo ông Dylan Tromp, số liệu thống kê của các nước châu Âu cũng đưa ra, tỉ lệ lao động trẻ dễ gặp tai nạn hơn lao động lớn tuổi đến 40%.

Chế tài kém, người lao động thành… yếu thế

Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, do nhiều đơn vị không báo cáo, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên số liệu thống kê các vụ tai nạn lao động, số người chết chưa phải là con số cuối cùng. Vì số liệu không được thống kê đầy đủ, nguyên nhân gây tai nạn cũng bị “phiến diện”, thành thử khó có thể đưa ra các giải pháp cụ thể và hiệu quả.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến các vụ tai nạn lao động gia tăng là chế tài yếu. Đơn cử, năm 2015, trong số hơn 600 vụ tai nạn lao động chết người, Bộ LĐTBXH chỉ nhận được 238 biên bản điều tra. Trong cả năm 2015, trong hàng loạt vụ lao động chết nhiều người đang trong quá trình điều tra thì chỉ có 5 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị khởi tố, trong đó chỉ có 1 vụ được xét xử là vụ sập giàn giáo xảy ra tại dự án Formusa tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Vụ tai nạn nghiệm trọng này đã được Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử và tuyên 4 bị can về tội “Vi phạm về quy định an toàn lao động” theo Bộ Luật Hình sự với tổng hình phạt là 144 tháng tù. Còn lại, hầu hết các vụ tai nạn lao động đều rơi vào quên lãng.

“Do chế tài xử phạt còn chưa nghiêm dẫn đến các chủ doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng công tác bảo đảm an toàn lao động trong quá trình sản xuất” - ông Hà Tất Thắng cho biết.

Chính vì chế tài chưa thực sự nghiêm và đích đáng nên dù các quy định của pháp luật về ATVSLĐ ngày càng được hoàn thiện (Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ tháng 7/2016), năng lực quản lý Nhà nước được nâng cao, vai trò của tổ chức công đoàn cũng ngày càng được tăng cường nhưng nhiều cơ sở, doanh nghiệp, nhà máy… vẫn chậm cải thiện môi trường làm việc. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến luật pháp, kiến thức về ATVSLĐ chưa đúng với quy định, công tác huấn luyện cho người lao động về ATVSLĐ chưa đáp ứng yêu cầu… Đó là nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn lao động có xu hướng gia tăng cả về số vụ cũng như số người.

Bên cạnh yếu tố chế tài kém, theo GS.TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ VN: “Luật ATVSLĐ cho phép người lao động được từ chối làm việc khi thấy doanh nghiệp, đơn vị thuê làm không đảm bảo môi trường, điều kiện lao động an toàn. Tuy nhiên, tôi chưa thấy người lao động nào từ chối làm việc trong môi trường, điều kiện làm việc nguy hiểm. Họ không thực sự biết thế nào là môi trường, điều kiện lao động an toàn. Hoặc nếu có biết thì cũng không dám từ chối vì sợ bị đuổi việc, sợ chủ doanh nghiệp sa thải”.

Nếu không “siết” chặt chế tài về an toàn vệ sinh lao động thì dù doanh nghiệp có “làm ngơ” với môi trường lao động thiếu an toàn thì rất nhiều người lao động vẫn “tặc lưỡi” chấp nhận vì cơ hội kiếm việc vô cùng khó khăn như hiện nay. 

Quang cảnh buổi hội thảo.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.