Sáng kiến tài chính cho phụ nữ tại Li Băng
Nằm ở ven biển Địa Trung Hải, Li Băng là một quốc gia nhỏ thuộc vùng Trung Đông, ngã ba đường giữa các nền văn minh trong nhiều thiên niên kỷ. Đây cũng là quốc gia có sự đa dạng về tôn giáo (gồm Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shia, Kitô giáo và người Druze) và các nhóm sắc tộc khác nhau.
Dù chiếm hơn 50% tổng dân số cũng như tỷ lệ tốt nghiệp đại học nhưng sự nhạy cảm về chính trị và tôn giáo đã thiết lập ra những rào cản nhất định cho phụ nữ tại đất nước nhỏ bé này: tỷ lệ phụ nữ có tài khoản ngân hàng thấp hơn nam giới tới 47%, phụ nữ đóng góp 27% lực lượng lao động và sở hữu 33% doanh nghiệp nhưng chỉ có 3% có khoản vay từ ngân hàng.
Lễ trao giải Người Li Băng tài giỏi do BLC tổ chức |
Nhận thấy được khoảng cách về nhu cầu này, từ năm 2012, BLC – ngân hàng có tuổi đời lâu nhất tại Li Băng đã công bố chương trình tiếp sức phụ nữ có tên là “Sáng kiến cho phụ nữ” và trở thành ngân hàng đầu tiên trong khu vực có cam kết với phân khúc đặc biệt này.
Mục tiêu của BLC là giúp cho phụ nữ tiếp cận được tài chính, phát triển được chuyên môn và được kết nối, từ đó thúc đẩy sự bình đẳng và phát triển của xã hội. Từ các nghiên cứu khách hàng sâu sắc, BLC đã thiết kế bộ sản phẩm riêng biệt dành cho nữ chủ doanh nghiệp, nhân viên của họ và cả những người phụ nữ ko tham gia lao động.
Bên cạnh đó, họ cũng xây dựng luồng dịch vụ riêng, thuận tiện và phù hợp về thời gian cũng như đặc điểm về tôn giáo của phụ nữ. Song hành là các hoạt động nâng cao trình độ, kiến thức và mở mang mối quan hệ trong cộng đồng doanh nghiệp được ngân hàng tổ chức kết nối. Dần dần, ngân hàng chọn lựa các nữ doanh nhân tiêu biểu để truyền cảm hứng tới cộng đồng phụ nữ cũng là đơn vị sáng lập giải thưởng The Brilliant Lebanese Awards (Giải thưởng cho người Li Băng tài giỏi) để vinh danh những phụ nữ đã tham gia giảng dạy, truyền cảm hứng, tuyển truyền, tạo dựng các kết nối kinh doanh cho cộng đồng.
Trong vòng 5 năm, đã có 700 ứng viên giải thưởng này và BLC đã đưa giải thưởng thành một chương trình truyền hình thành công để vinh danh những phụ nữ có đóng góp cho cộng đồng, tạo sự phát triển bền vững cho đất nước.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, chỉ trong 4 năm triển khai, nhà băng này hiện đang cung cấp dịch vụ cho hơn 32,000 khách hàng nữ số lượng DN nữ vay vốn thành công đã tăng 82% và dư nợ của họ tại nhà băng tăng 121%. Phân khúc này hiện đang đóng góp hơn 20% lợi nhuận của BLC.
Việt Nam và cơ hội cho các ngân hàng
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền tảng pháp lý thuận lợi cho phụ nữ khi luật hỗ trợ DNVVN và mới đây nhất là chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vừa được thủ tướng chính phủ phê duyệt đều đề cập rõ đến đối tượng doanh nghiệp do nữ làm chủ. Vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được đề cao.
Các chuyên gia IFC và VPBank đang tìm hiểu nhu cầu của các DN do nữ làm chủ tại Việt Nam |
Ở một góc độ khác, theo báo cáo của tổ chức IFC thực hiện năm 2017, Việt Nam có 21% doanh nghiệp là do phụ nữ làm chủ, hầu hết làm việc trong lĩnh vực phân phối và là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Yếu tố cũng rất quan trọng là vẫn còn đó những rào cản vô thức về bình đẳng giới, đâu đó vẫn tác động tới các cơ hội tiếp cận tài chính và phát triển năng lực của phụ nữ. Cũng theo IFC, có 37% doanh nghiệp nữ tiếp cận vốn ngân hàng trong khi đó, tỷ lệ này ở nam giới là 47%. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, khoảng cách tín dụng vốn cho các DN vừa và nhỏ do nữ làm chủ là 1,19 tỷ đô la; 1/3 doanh nghiệp đi vay bị từ chối do không có tài sản thế chấp.
Thị trường còn bỏ ngỏ nhưng mới chỉ có một nhà băng ở Việt Nam “thực sự để mắt” tới phân khúc đặc biệt này. Theo số liệu nhà băng này cung cấp, DN nữ chiếm tỷ trọng 18% danh mục nhưng họ lại đang đóng góp 24% dư nợ của phân khúc DN vừa và nhỏ. Dù nhạy cảm về chính sách giá nhưng họ đánh giá đây là một phân khúc tiềm năng bởi số lượng sản phẩm và doanh thu trên một khách hàng từ phân đoạn này cũng cao hơn hẳn con số ở DN do nam làm chủ trong khi đó tỷ lệ nợ xấu không cao hơn.
Trong khi hầu hết các ngân hàng còn đang chưa định vị về phân khúc này thì các thể chế tài chính, tổ chức quốc tế đã nhanh chóng có các chương trình hành động bởi họ nhận định: các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một buổi chia sẻ kiến thức của chuyên gia nhân sự Nguyễn Bích Huyền tới các DN do nữ làm chủ |
Tiêu biểu là Công ty tài chính quốc tế- IFC (trực thuộc ngân hàng thế giới - WB) sau khi việc xuất bản nghiên cứu về đối tượng này năm 2017 đã nhanh chóng đồng hành với VPBank để xây dựng phân khúc DN do nữ làm chủ, mới đây nhất họ bắt tay với OCB và TPBank. Ngân hàng phát triển Châu Á - ADB cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá gần 20, 2 triệu USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính và hoạt động đào tạo thiết yếu. Hiện tại, tổ chức này đang cùng Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng phê duyệt gói viện trợ 5 triệu đô la cho các DN do nữ làm chủ bị ảnh hưởng bởi Covid 19.
Ở quy mô khác, tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA phồi hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để đưa giải pháp tài chính toàn diện tới phụ nữ. Ở trong nước, Hội đồng Doanh nhân nữ (VWEC) là đầu mối hợp tác với các tổ chức như Google, Quỹ Cherie Blair Foundation, ADB… để tổ chức các chương trình nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các chị phụ nữ.
Diễn đàn Doanh nhân nữ do Hội đồng doanh nhân nữ tổ chức năm 2018 |
Chính phủ và các tổ chức đã mở đường, dọn lối cho doanh nghiệp cho nữ làm chủ nhưng rất cần những người trung gian là các ngân hàng. Không chỉ giúp tạo sự bình đẳng giới, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc thúc đẩy cung cấp tài chính cho các DN do nữ làm chủ sẽ là cơ hội giúp các ngân hàng có được sự khác biệt trong dịch vụ và đặc biệt là nâng cao hiệu quả kinh doanh.