Sự kiện thu hút đông đảo chuyên gia từ các Cơ quan quản lý (Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ công thương..), các Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (IFC, Eurocham, các Đại sứ quán..), Các Viện nghiên cứu kinh tế chính sách, và đáng chú ý là sự góp mặt của đông đảo Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Đối thoại với chủ đề: Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ “bứt phá” có sự tham gia của hơn 300 khách mời. |
Tại Toạ đàm, các diễn giả và chuyên gia đồng quan điểm chia sẻ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” là phương châm 12 chữ của Chính phủ trong năm 2019 được đưa ra Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2018. Như vậy so với phương châm 10 chữ của năm 2018, chính phủ xác định thêm phương châm “bứt phá”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” trong năm 2019, năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả chiến lược 10 năm 2011-2020. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII cũng đã coi phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Vậy, Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ sẽ “bứt phá” như thế nào trong năm 2019 là câu hỏi đang được đặt ra.
Theo ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, cần phụ thuộc vào 2 yếu tố. Đó là bản thân Chính phủ có tạo điều kiện cho DN tư nhân bứt phá hay không? Và chính DN tư nhân liệu có đủ năng lực, trình độ và sự quyết tâm bứt phá không?
“Nhưng, điều đầu tiên vẫn cần chính là từ Nhà nước” – ông Thanh nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Thanh cho biết, năm 2018, Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái vốn thành công ngoài mong đợi tại Vinaconex, nhà nước thu về là gần 10.000 tỷ đồng. Và sau khi chuyển đổi vào đầu năm 2019, trong kế hoạch, Vinaconex dự kiến doanh thu tăng trưởng 50% và lợi nhuận tăng 30%. “Đây chính là bứt phá. Bản thân DN tự lo thân mình để bứt phá, tuy nhiên để làm được điều này cần có cơ chế.” – ông Thanh bày tỏ.
Đồng quan điểm, đại diện một DN siêu nhỏ cũng chia sẻ, muốn DN tư nhân “bứt phá” được, các DN phải được hưởng cơ chế của Nhà nước. Nhà nước phải tạo ra những hành lang và cơ chế để DN tư nhân phát huy.
Đông đảo khách mời, chuyên gia tham gia thảo luận tại toạ đàm. |
Khi bàn về “bứt phá”, các diễn giả tại đối thoại cho rằng, “bứt phá” ở đây không phải chỉ là chỉ tiêu kinh tế mà bứt phá về tư duy, cải cách thể chế, nâng cao thủ tục hành chính… Tuy nhiên, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái – cho rằng, những “bứt phá” nêu trên là những điều kiện cần, cái quan trọng mà DN quan tâm chính là chất lượng tăng trưởng tương lai của DN, tức là chất lượng bền vững. Đặc biệt, DN tư nhân cần có sự quan tâm đến các thành phần kinh tế, kể cả các DN lớn, DN nhỏ, DN startup. “Tôi tin là DN Việt Nam nhất là DN tư nhân đều kiên trì và quyết tâm bứt phá, nếu Chính phủ đưa ra sự công bằng và chính sách hợp lý đối với tất cả các thành phần kinh tế.”- ông Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh thêm.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt kỷ lục về tăng trưởng DN. Bên cạnh việc tăng trưởng về số lượng DN, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới cũng tăng 10,2%, đạt 11,3 tỷ đồng. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm nay là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2018 còn có 34 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước.
Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh của DN đã có những thay đổi đáng ghi nhận, DN đã có nhiều thuận lợi để hoạt động và “bứt phá” trong năm 2019 – năm bản lề tăng tốc để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ có nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đưa ra những chính sách rất hợp lý, tuy nhiên, nhiều DN phản ánh, sự tương tác giữa chính sách đến DN thông qua cơ quan địa phương dường như “chưa có sự thay đổi” là mấy, thậm chí chi phí còn nhiều hơn trước, cản trở ở mức độ khác nhau còn nhiều.
“Muốn bứt phá thì phải bứt phá cả tầng lớp dưới của bộ máy công quyền chứ không chỉ bứt phá tầng lớp trên” – ông Phạm Đình Đoàn kiến nghị.
Đồng quan điểm các chính sách chưa tác động nhiều đến cuộc sống DN, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nếu môi trường kinh doanh không có sự bứt phá, sự quyết liệt hơn và đổi mới thực chất hơn thì rất khó có thể cho DN bứt phá. “Bởi lẽ DN không cần bảo họ bứt phá mà chỉ cần có 1 đường đua không chông gai thì họ có thể tự biết được làm gì.” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều DN cho rằng, vẫn còn thiếu sự lắng nghe ý kiến của DN. Theo ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tái cấu trúc DN Việt, trong thời kỳ 4.0, không khó khăn khi Chính phủ lập ra cổng thông tin, trực tiếp kết nối với Thủ tướng, chia các DN ra giai đoạn: DN ươm mầm, startup, DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa, DN lớn… mỗi DN đề xuất gì, mong muốn gì, thì mới có thể bứt phá được.
“VITV kỳ vọng Tọa đàm sẽ trở thành cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, là Diễn đàn mở để doanh nghiệp chia sẻ tâm tư nguyện vọng, đưa ra đề xuất kiến nghị để cùng “bứt phá” với Chính phủ, là nơi cơ quan quản lý tiếp nhận, phản hồi thông tin và tháo gỡ vướng mắc cho Doanh nghiệp, là Kênh tư vấn chính sách hiệu quả cho các nhà hoạch định”, đại diện VITV chia sẻ.