Độc đáo phong tục ăn Tết của người Thái vùng Mường Lò

Đối với đồng bào dân tộc Thái, quanh năm có rất nhiều cái Tết nhưng họ chỉ ăn ba cái Tết chính: “Chiêng Xam” (Tết Thanh minh), “Xíp Xí” và quan trọng nhất là Tết Nguyên đán “Bươn Chiêng.”
Những món ngon đặc sắc của đồng bào Thái vùng Mường Lò dịp Tết.( Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Những món ngon đặc sắc của đồng bào Thái vùng Mường Lò dịp Tết.( Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 sắp đến, cùng với các vùng quê trong tỉnh Yên Bái, không khí chuẩn bị đón Tết của đồng bào dân tộc Thái ở mảnh đất Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ) đang rất rộn ràng, phấn khởi, chào đón một năm mới với nhiều may mắn.

Trong không khí vui tươi, đồng bào Thái chuẩn bị quần áo mới, những lễ vật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong ngày Tết cổ truyền.

Mảnh đất Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ là nơi đồng bào dân tộc Thái sinh sống bao đời nay. Người Thái vùng Mường Lò hiện còn giữ được nhiều những phong tục tập quán độc đáo trong ngày Tết cổ truyền.

Đối với đồng bào dân tộc Thái, quanh năm có rất nhiều cái Tết nhưng họ chỉ ăn ba cái Tết chính: “Chiêng Xam” (Tết Thanh minh) tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch, “Xíp Xí” tổ chức vào 14/7 âm lịch và quan trọng nhất là Tết Nguyên đán-Tết cổ truyền của toàn dân tộc Việt Nam, được người Thái gọi bằng cái tên là “Bươn Chiêng.”

Tết Nguyên đán của người Thái vùng Mường Lò có nhiều phong tục rất thú vị, mang đậm nét đặc trưng riêng có. Đồng bào Thái nơi đây quan niệm rằng không cần phải chuẩn bị Tết quá sớm như những người Thái ở nơi khác, bởi vì theo họ cần phải giải quyết việc ruộng đồng, nương rẫy xong mới chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa đón Tết.

Đặc biệt, vào ngày 23 tháng Chạp, họ không cúng ông Công ông Táo bằng các lễ vật như cá, mũ táo quân... mà chỉ rót chén rượu và thắp hương báo cáo với tổ tiên về việc dọn dẹp nhà cửa bởi người Thái rất kiêng kỵ khi làm gì liên quan đến nhà cửa, vì vậy muốn dọn dẹp, trang trí nhà phải báo cáo với tổ tiên cho phép.

Bà Lò Thị Dần ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ, để chuẩn bị đón xuân mới, vui Tết cổ truyền, ngay từ tháng 9 âm lịch hàng năm, đồng bào Thái đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp để dành.

Độc đáo phong tục ăn Tết của người Thái vùng Mường Lò ảnh 1

Bà Lò Thị Dần chọn những bộ quần áo mới để mặc vào ngày đầu năm. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Hộ nào khá giả thì chuẩn bị một con lợn to từ sáu, bảy chục cân, còn những hộ trung bình thì 2-3 hộ chung nhau mổ một con để ăn Tết. Đặc biệt là họ không thể thiếu những bộ quần áo mới để mặc vào ngày đầu năm.

Từ ngày 25-26 tháng Chạp, bà con bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ trong gia đình quét dọn mọi ngóc ngách dưới sàn, dưới sân, lối vào nhà, chuồng trại... thật sạch sẽ.

Còn người đàn ông là trụ cột trong gia đình mới được dọn dẹp trên bàn thờ tổ tiên: Thay bát hương, lau chùi, dán giấy đỏ xung quanh, sắp xếp lại tất cả mọi thứ trên bàn thờ, để lên đó nải chuối, bánh kẹo, buộc thêm 2 cây mía ở hai bên cạnh tượng trưng cho hai chiếc thang để đón tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Sáng 29 Tết, người Thái mổ lợn, nhà nào cũng làm vài mâm mời tất cả anh em, họ hàng, thông gia, con cháu đến.

Độc đáo phong tục ăn Tết của người Thái vùng Mường Lò ảnh 2

Phụ nữ Thái chuẩn bị mâm cỗ Tết để mời khách. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)Nhập mô tả ảnh

Trước khi mời khách ăn Tết, chủ nhà mang thủ, đuôi, chân, xương sườn lợn đã luộc chín đặt lên bàn thờ thắp hương, mời tổ tiên về ăn Tết, cầu xin tổ tiên phù hộ “khỏe như voi đang độ, khỏa chắc như sắt đá...,” mùa màng tươi tốt, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đều tốt...

Sau khi cúng xong, tất cả phải để nguyên trên bàn thờ không được ăn mà chỉ bê mâm đã chế biến các món lòng, tiết canh, chả nướng, thịt tái... từ bếp lên mời khách. Cứ như vậy, bữa trưa nhà này mời thì bữa tối và hôm sau lại nhà khác mời đến uống rượu ăn Tết vui xuân mới.

Tết của người Thái có thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, bánh kha, rượu, mứt... Bánh chưng của đồng bào Thái là bánh hình ống, tròn đều với 2 loại là bánh trắng và bánh đen.

Bánh đen được làm từ gạo nếp trộn với tro của cây muối và cây vừng đen để có mùi thơm, khi ăn có vị bùi, nhân bánh được làm từ đỗ đen nấu bông lên, giã ra cùng với thịt lợn.

Đêm 30 Tết, người Thái làm mâm cơm thịnh soạn để cúng và mời tổ tiên về ăn Tết ngay trước khi ăn bữa tối.

Đến khoảnh khắc Giao thừa, họ không mổ gà để cúng như tục lệ của người Kinh mà chỉ rót rượu, chè để thắp hương cho tổ tiên. Đúng vào giây phút Giao thừa, người Thái thực hiện lễ rước Hảng cống, mang trống, chiêng từ nhà đến địa điểm như nhà văn hóa, sau đó tất cả mọi người tụ tập, có cả già làng, trưởng bản sẽ đánh trống, chiêng với mong muốn năm mới tốt đẹp, may mắn hơn; ai cũng đều được đánh trống, nếu không sẽ không được may mắn trong năm mới.

Vào sáng mùng 1 Tết, người Thái kiêng không đi chúc Tết hàng xóm mà chỉ có con cháu trong gia đình đem rượu, mứt, bánh chưng đến Tết bố mẹ đẻ; ngày mồng 2 đi Tết bố mẹ bên vợ; từ ngày mùng 3 đến rằm tháng Giêng bắt đầu vui chơi cộng đồng với các trò chơi dân gian như ném còn, tó mác lẹ, hạn khuống, leo cột mỡ, kéo co, đẩy gậy... được tổ chức rất sôi nổi.

Trò chơi ném còn có 3 cách chơi. Cách thứ nhất là chơi còn vòng có đích ở trên cao 20- 30 m, người chơi tung trúng là được thưởng; cách thứ hai là chơi còn sai, một bên là nam, một bên là nữ tung còn cho nhau, bên nào không bắt được là thua cuộc; cách cuối cùng chơi còn xổm là nam, nữ đứng xen kẽ thành 5-6 vòng tròn đồng tâm (tượng trưng sự đoàn kết), ai cũng được cầm quả còn ném cho nhau; nam ném cho nữ, nữ ném cho nam, nếu nam hoặc nữ không bắt được thì bị thua cuộc sẽ bị bên thắng thơm vào má, vỗ vào vai, lưng...

Trước khi chơi, đồng bào Thái làm lễ cúng cây còn. Ném còn thể hiện nếu ai ném trúng thì báo hiệu một năm mới sẽ được may mắn, thuận lợi trong mọi việc.

Cùng với trò chơi ném còn, các trò chơi khác cũng được tổ chức liên tục trong những ngày Tết như tó mác lẹ, hạn khuống (dành cho nam, nữ chưa chồng, chưa vợ hát giao duyên).

Người Thái tìm một bãi đất rộng làm một cái sàn, sau đó con gái chưa chồng lên sàn thêu, dệt, se tơ; còn con trai chưa vợ mang khèn, vè, sáo... đến hát xin lên sàn. Các chàng trai Thái vừa hát vừa leo lên sàn trò chuyện hát đối với các thiếu nữ.

Cũng từ lễ hội mùa Xuân này mà nhiều đôi lứa đã nên vợ nên chồng và chung sống hạnh phúc với nhau.

Độc đáo phong tục ăn Tết của người Thái vùng Mường Lò ảnh 3

Bà Lò Thị Dần tỉ mỉ chọn lựa từng chiếc lá đẹp để chuẩn bị gói bánh chưng. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Đón năm mới, đồng bào Thái vùng Mường Lò ăn Tết vui Xuân cho đến rằm tháng Giêng thì lại gói bánh chưng để thắp hương cho tổ tiên và báo cáo là hết Tết. Sau đó, họ mở hội Lồng Tồng (hội xuống đồng), thi đua lao động sản xuất bắt đầu một năm mới, mùa vụ mới với nhiều niềm vui và đầy ước vọng.

Có thể nói đồng bào dân tộc Thái Mường Lò có nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, theo thời gian những phong tục tập quán ấy đang dần bị mai một.

Để gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa mà đồng bào Thái giữ gìn bao đời nay, những năm qua nhiều gia đình ở đây đã xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu những truyền thống văn hóa của dân tộc Thái đến với du khách.

Đặc biệt, những bạn trẻ tự tìm hiểu văn hóa truyền thống về ẩm thực, phong tục tập quán trong ngày lễ, Tết... để dạy lại cho những thế hệ sau.

Cùng với đó, những năm qua, chính quyền địa phương luôn huy động người dân tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí như hội hạn khuống, múa xòe, trò chơi dân gian, lễ hội Lồng Tồng...

Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Nghĩa Lộ - cho biết Nghĩa Lộ là cái nôi của nền văn hóa Thái với gần 50% đồng bào Thái sinh sống trên địa bàn.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng báo Thái, hàng năm thị xã xây dựng kế hoạch mừng Đảng mừng Xuân, ngoài những hoạt động trong dịp Tết thì vào ngày rằm tháng Giêng thị xã định hướng cho tất cả các xã, phường trên địa bàn tổ chức chương tình văn hóa, văn nghệ thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào để không bị mai một.

Đây cũng là dịp để người dân giao lưu, là cơ hội để các nam thanh nữ tú gặp gỡ tìm hiểu và dựng vợ gả chồng; đồng thời, là dịp để người dân trong và ngoài tỉnh biết đến những bản sắc văn hóa đặc trưng riêng có của người Thái./.

Theo Vietnamplus
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.