Mới đây, Bộ Tư pháp cho rằng văn bản yêu cầu người dân đổi giấy phép lái xe (GPLX) giấy sang vật liệu PET của Bộ GTVT không có sơ sở pháp lý, không đảm bảo tính thống nhất, hợp pháp và đã kiến nghị bỏ quy định này.
Thông tin này nhận được nhiều phản hồi trái chiều của cộng đồng mạng. Nhiều độc giả nhận định việc đổi GPLX sang vật liệu PET hoàn toàn hợp lý, đi theo xu hướng mới là bền, nhẹ, đẹp.
Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến đồng tình với quyết định của Bộ Tư pháp khi cho rằng việc đổi bằng lái xe làm mất thời gian, tiền bạc... trong khi giá trị không thay đổi.
Bằng lái xe vật liệu PET tiện lợi hơn rất nhiều
Trước thông tin này, nhiều bạn đọc ủng hộ quy định đổi bằng lái xe sang vật liệu PET khi cho rằng giấy sẽ nhanh nhàu, nát, dễ bay màu chữ, còn loại thẻ mới bền, đẹp và nhỏ gọn hơn.
Bạn đọc Mai Anh đồng tình: "Bằng lái xe vật liệu PET tiện lợi hơn rất nhiều. Bản thân đã đổi thẻ, thấy thủ tục nhanh, gọn và chỉ mất phí 140 nghìn đồng. Từ đó, mình không lo sợ bằng lái bị nhàu hay rách khi gặp nước".
Cùng quan điểm, thành viên Đạt Trần cho rằng việc đổi bằng lái xe sang vật liệu mới giúp Bộ GTVT dễ dàng trong quản lý, rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo hơn và giúp hạn chế được tình trạng làm bằng giả.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc đổi bằng lái sang vật liệu PET phải tự nguyện và chỉ áp dụng với những người có nhu cầu hoặc GPLX của họ rách, nát...
"Theo tôi, cơ quan chức năng không nên bắt buộc đổi với những giấy phép còn dùng được hay người dân phải đi khám lại sức khoẻ, thi lại lý thuyết. Điều này làm lãng phí tiền bạc, vật chất của toàn xã hội", bạn đọc Thảo Huyền chia sẻ.
Bằng lái cũ còn dùng được sao phải đổi?
Mặt khác, nhiều ý kiến không đồng tình với thông tư của Bộ GTVT về việc đổi bằng lái xe sang vật liệu PET khi cho rằng giá trị vẫn vậy, thay đổi chỉ làm tốn tiền bạc, mất thời gian, công sức.
Bình luận trên Zing.vn, thành viên Hoàng Long cho rằng việc chuyển đổi vật liệu của bằng lái xe là không hợp lý. Theo anh, GPLX chỉ nhằm mục đích như tờ giấy chứng nhận đã học luật giao thông và đủ điều kiện lái xe. Vì vậy, giấy tờ đó do nhà nước cấp là được, còn việc làm bằng vật liệu gì không quan trọng, điều quan tâm nhất là chất lượng đào tạo lái xe của các trung tâm.
"Thật không hiểu! Một thời gian khá dài, tôi phải trải qua học hành, thi cử ở trung tâm sát hạch lái xe. Bản thân mang bằng lái đi ép plastic, dẻo để giữ gìn, bảo vệ nên vẫn như mới. Giờ bắt đổi bằng, đi học luật lại... thì không thể chấp nhận được", bạn đọc này trần tình.
Ngoài ra, độc giả Lan Anh nhấn mạnh việc đổi bằng lái xe sang vật liệu PET rất mất thời gian, thủ tục phức tạp... gây rắc rối, phiền hà cho người dân. "Vì đổi bằng lái mà tôi xếp hàng từ 5h sáng, chen chúc nhau để lấy số và đóng tiền nhưng khi tới lượt thì hết số. Bản thân phải túc trực mấy ngày liên tiếp mới đổi được", bạn đọc này nhớ lại.
Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Pháp luật Việt Nam . |
Bàn về vấn đề này với Zing.vn, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết văn bản yêu cầu người dân đổi bằng lái giấy sang vật liệu PET của Bộ GTVT không có sơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất, hợp pháp.
Theo ông, Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật đã có kiến nghị Bộ GTVT xem xét bãi bỏ nội dung trái quy định pháp luật trong Thông tư 58. Đồng thời, đơn vị kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp cũng đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng nội dung gây nhiều tranh cãi này.
Đồng tình với quan điểm trên, một số bạn đọc cho rằng Bộ Tư pháp có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, vì việc đổi bằng lái xe sang vật liệu PET làm tốn kém tiền của của người dân.
"Thật vô lý! Bằng lái xe cũ vẫn còn sử dụng được sao phải đổi? Mỗi nơi lại có lệ phí đổi khác nhau. Người dân nghèo kiếm mãi mới được một đồng, tiền đâu ra để họ thực hiện quy định vô lý này", độc giả Huy Nguyễn bức xúc.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả khẳng định vấn đề này không quan trọng, mong muốn Bộ GTVT quan tâm việc tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho mọi người nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.