Đồng bào mình ở miền Trung

(Ngày Nay) - Quê nội tôi ở miền Trung, ba tôi sinh ra ở Đại Lộc, tôi là người gốc Quảng Nam.
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu

1. Tôi tự ngày bé đã mê cổ tích, đã yêu quê hương. Những ngày ấu dại, miền Trung trong tôi là mồ mả của ông bà, là các cô chú huyết thống, là những đứa em bà con...

Nghỉ hè năm phổ thông, tôi được về quê, xúc động như tìm về căn nhà cũ, ngắm quê cha mà nước mắt chảy dài.

Những con nắng trải dài, những đồi cát trải dài, những căn nhà xiêu vẹo trải dài, những tường rào hoa dâm bụt xanh thẳm trải dài... Miền Trung của tôi, miền Trung quê cha đất tổ của tôi, dẫu không cần đứng một ngày đất lạ thành quen, chỉ cần nghĩ về thôi đã yêu thương vô bờ bến.

Những ngày này, nghĩ về miền Trung quặn thắt lòng. Tôi đã đi qua vùng lũ, tôi đã tham gia các chuyến cứu trợ đồng bào, tang thương đến độ không ký tự nào tả nổi.

Có chiếc xe ô tô đồ chơi nằm lăn lóc ngoài vườn. Gọi là vườn chứ thiệt ra chỉ là khoảng sân nhỏ với vài cái cây thiếu bàn tay chăm sóc. Nhà khó, ba mẹ con nương tựa nhau, bố ra Hà Nội học tiếng Nhật để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động.

Mẹ bận việc nhiều lắm, mà em lại khờ khạo, nhà còn mỗi anh để đỡ đần. Anh năm ấy, học lớp Năm.

Trưa ấy, anh chào mẹ xoa đầu em rồi đi học. Chiều, em với nụ cười ngờ nghệch trên môi ra ngõ chờ anh. Vậy mà, mãi mãi em sẽ không còn được thấy mặt anh nữa. Trời mưa dầm, anh trên đường đi học về bị nước lũ cuốn trôi. Người ta đi tìm mấy ngày, mới vớt được thi thể của anh.

Bố nghe tin từ Thủ đô về, chết lặng. Mẹ nhìn thi thể anh, ngất xỉu. Chỉ có em thôi, chỉ có em là cười cười nhìn di ảnh anh, chỉ có em thôi là cười cười nhìn đoàn cứu trợ.

Tôi nhìn cảnh ấy, không biết phải sống làm sao phải khuyên làm sao, chuyện của người nghĩ đã bế tắc, không dám đặt mình vào hoàn cảnh đó.

Tận cùng đau lòng.

2. Biết là thời tiết tai ương, biết là gió dông quăng quật, nhưng con đói thì phải làm sao, nhưng nhà hết gạo thì phải làm sao, nhưng không còn tiền thì phải làm sao... Chồng trước vợ sau ra khỏi nhà mưu sinh, trước khi đi dặn con lớn ở nhà trông em, nhớ canh chừng nước lụt.

Hai vợ chồng, một cái xuồng con, và lũ trẻ đang chờ ở nhà.

Xuồng lật, nước mạnh. Duy người chồng sống sót, nước lũ đã không tha cho người vợ. Chồng, chứng kiến cảnh ấy từ đầu đến cuối, tôi không biết phải viết gì thêm.

Cha canh vườn tược, lũ bất thần về. Con đang học phổ thông, mới vừa lên lớp Mười được vài hôm, sợ cha gặp nguy hiểm nên chèo xuồng tìm cha về. Đường về nhà sẽ ấm áp tình phụ tử đến mấy, nếu như không có bão lũ.

Nước xoáy hút lấy con rồi không bao giờ trả lại nữa, bất chấp trước khi con bị cuốn đi, cha đã kịp chụp lấy tay con nhưng không đủ sức để chiến thắng thủy thần.

3. Những ngày miền Trung bão lũ, tôi luôn nói chuyện với hai con trai của mình về sự sẻ chia, về tình người trong một quốc gia.

Sáng nay, tôi hỏi con trai mình, tháng 11 ba sẽ đi cứu trợ đồng bào ở Quảng Trị. Nếu hai anh em có giúp đỡ các bạn, có thể đóng góp qua ba, ba hứa sẽ tận tay trao cho các bạn nhỏ vùng lũ.

Con trai của tôi, rất đồng ý với đề nghị này.

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước, phải thương nhau cùng".

Bớt đi một món ăn ngon, bớt đi một tiệc tùng, bớt đi một khoản chi tiêu không cần thiết… để thương lấy đồng bào của mình ở miền Trung, là điều không quá khó khăn với chúng ta - những người may mắn nước không tràn vào nhà, có phải không ạ?!

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.