Ngày 22/11, Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn công tác vào Đồng Nai làm việc liên quan đến việc Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình mất khả năng thanh khoản, dẫn đến việc hàng chục người dân kéo đến điểm giao dịch giăng băng rôn đòi tiền gửi.
Ông Hoàng Văn Lục gửi hơn 8 tỷ đồng vào Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình.Ảnh: Vnexpress |
Trao đổi với báo Vnexpress, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho biết, đầu năm nay, qua thanh kiểm tra đã phát hiện quỹ tín dụng này mất khả năng thanh khoản, có nhiều sai phạm trong hoạt động tín dụng nên có văn bản, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an vào cuộc điều tra.
"Tuy nhiên trước khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì giám đốc quỹ này đã bỏ trốn sang nước ngoài", ông Tuấn nói.
Vị này cho biết, giám đốc Quỹ tín dụng Thái Bình đã sử dụng uy tín cá nhân và quỹ tín dụng để huy động, sử dụng tiền gửi trái quy định; thao túng quỹ, cố ý làm trái để tư lợi và chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm sai, làm giả hồ sơ để rút tiền dùng vào mục đích cá nhân.
Theo ông Tuấn, hiện Ngân hàng nhà nước vẫn giám sát và có hướng giải quyết cho khách hàng, trong đó đảm bảo lợi ích của người dân đã gửi tiền vào quỹ tín dụng này theo quy định. Cơ quan bảo hiểm cũng đang tiến hành các thủ tục chi trả với khoản bảo hiểm tiền gửi của khách hàng.
"Do quỹ tín dụng Thái Bình nhỏ nên việc quỹ này mất khả năng thanh khoản không ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khác. Hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường", ông Tuấn nói và cho biết người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
Trước đó, vào sáng 20/11, một nhóm khoảng vài chục người đã tụ tập trước trụ sở Quỹ tín dụng Thái Bình ở khu phố 2 (phường Tân Hòa, TP Biên Hòa) để đòi tiền.
Lực lượng chức năng phường Tân Hòa và đại diện NHNN chi nhánh Đồng Nai nhanh chóng có mặt để giải quyết sự việc ngay khi nhận được thông tin.
Tại buổi làm việc với tổ kiểm soát của NHNN, một số người dân cho biết, trước đây, họ gửi tiền vào Quỹ tín dụng Thái Bình để lấy lãi.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2016 thì đơn vị này bắt đầu chi trả tiền lãi rất chậm. Mỗi lần người dân đến lấy tiền lãi, hoặc rút tiền gốc, một số cán bộ và nhân viên làm việc tại đây đều hứa và khất lại.
Sau rất nhiều lần hứa nhưng không trả, một số người có gửi số tiền lớn đã buộc ông Liêm phải viết giấy cam kết trả nợ. Nhưng sau những lần cam kết, khách hàng vẫn không lấy lại được tiền của mình.
Hiện, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục xử lý, theo VTC News.
Tổng hợp