Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, gần 2 triệu lượt du khách nước ngoài đến nước này trong tháng 4/2023, so với chưa đến 140.000 lượt của một năm trước đó.
Theo Bloomberg Economics, mặc dù con số này vẫn còn cách xa mức trước đại dịch là gần 3 triệu lượt, nhưng việc du khách nước ngoài quay trở lại với sức chi tiêu lớn đã chiếm tới 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng 1,6%/ năm của ba tháng đầu năm nay.
Chi tiêu du lịch tại các thành phố và các điểm tham quan trong khu vực kết hợp với tình trạng thường xuyên thiếu hụt lao động đang hỗ trợ cho đà tăng lương và giá cả mà Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda muốn đạt được trước khi ông có thể xem xét thay đổi chính sách về kích thích chi tiêu.
Chủ một quán trọ kiểu Nhật ở Nagano, Yohei Fujiwara, là một trong số những người vui mừng với sự trở lại của du khách nước ngoài, nhóm ít nhạy cảm về giá hơn nhiều so với du khách nội địa. Ông đã tăng mức giá lưu trú khách sạn đối với du khách nước ngoài 8% so với năm ngoái lên 100 USD/đêm.
Ông cho biết khách sạn của ông gần như đã kín chỗ cho thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, ông thừa nhận chỉ có đủ nhân viên để phục vụ một nửa lượng khách đặt phòng. Vì vậy, giống như nhiều khách sạn trong vùng, ông có thể phải tăng lương để tuyển nhân viên trong bối cảnh dân số của Nhật Bản ngày càng giảm và lão hóa.
Số liệu của tháng 3/2023 cho thấy trong khi tiền lương trung bình trên toàn quốc chỉ tăng 1,3% so với một năm trước đó, tiền lương tại các nhà hàng và quán bar tăng 13%.
Theo báo cáo của Teikoku Data Bank, có 3/4 số khách sạn cho biết họ thiếu lao động làm toàn thời gian trong tháng 4, mức cao nhất trong số các ngành được khảo sát. Khoảng 85% số nhà hàng cho biết họ không có đủ nhân viên bán thời gian.
Nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa, Keiji Kanda, nhận định, nhu cầu trong nước là một yếu tố thúc đẩy đà tăng giá dịch vụ và tiền lương.
Du lịch đã trở thành một điểm tựa chính cho các kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong thập kỷ qua. Du khách mang lại nguồn thu cho các khu vực đang gặp khó khăn do thanh niên đang ồ ạt kéo đến các thành phố lớn.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 60 triệu lượt du khách nước ngoài, gấp ba lần so với năm 2015. Con số này đã đạt mức cao kỷ lục 32 triệu lượt vào năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức 218 triệu lượt du khách đến Pháp trong cùng năm.
Đề cập đến tình trạng tăng vọt sau hai quý suy giảm liên tiếp vào nửa cuối năm ngoái, nhà kinh tế điều hành cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, Yoshiki Shinke, cho rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ gặp rắc rối lớn nếu không có chi tiêu trong nước. Hiện có nhiều cơ sở cho sự phục hồi của kinh tế nước này. Giá cả tại Nhật Bản hiện được đang được du khách nước ngoài đánh giá là rẻ vì đồng yen yếu.
Đồng tiền của Nhật Bản đã chạm mức thấp nhất trong 6 tháng vào tuần trước so với đồng USD. Đối với những người sử dụng USD, giá cả ở Nhật Bản đều giảm giá khoảng 30% so với cuối năm 2019. Khi đồng yên chạm mốc 150 yen đổi 1 USD vào năm ngoái, một loạt phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin rằng du khách nước ngoài có xu hướng đổi tiền sang đồng yen để du lịch Nhật Bản sau đại dịch.
Đại lý đặt phòng trực tuyến châu Á-Thái Bình Dương Agoda, một nhánh của Booking Holdings, đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về lượng đặt phòng tại Nhật Bản.
Giám đốc điều hành Agoda, Omri Morgenshtern, cho biết Nhật Bản không chỉ là điểm đến số 1 mà còn là điểm đến tăng trưởng nhanh nhất đối với Agoda và vẫn còn tiềm năng cho sự phát triển hơn nữa.
Chủ ba nhà hàng Nhật Bản chuyên về hải sản tươi sống ở Hakodate, Hokkaido, Hidefumi Murota, cho biết ông lạc quan hơn nhiều về việc kinh doanh kể từ khi các chuyến bay thẳng từ Đài Bắc (Trung Quốc) đến Hakodate được nối lại vào tháng Năm vừa qua. Ông cũng chứng kiến số du khách đến từ Hàn Quốc tăng lên. Tuy nhiên, ông Murota thừa nhận mọi thứ vẫn chưa sôi động như ở Tokyo. Ông cũng muốn thấy du khách từ Trung Quốc quay lại sớm vì sự trở lại của du khách Trung Quốc sẽ tăng thêm đáng kể tác động chi tiêu của khách du lịch.
Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, sự trở lại của du khách Trung Quốc sẽ làm tăng đáng kể mức chi tiêu của du khách, khi chiếm 37% tổng chi tiêu du lịch trong nước trước đại dịch năm 2019, trước khi giảm xuống khoảng 10% cho đến thời điểm này của năm nay. Người Hàn Quốc hiện đứng đầu danh sách với khoảng 1/5 mức chi tiêu du lịch tại Nhật Bản.
Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida đang đặt mục tiêu sớm đạt mức chi tiêu du lịch trong nước 5.000 tỷ yen (35,7 tỷ USD) mỗi năm, vượt qua mức đỉnh 4.800 tỷ yen của bốn năm trước.
Nhà kinh tế Shunsuke Kobayashi của Mizuho Securities chỉ ra rằng chính phủ có thể đặt mục tiêu cao hơn. Ông dự kiến quy mô chi tiêu du lịch trong nước lên tới 8.000 tỷ yen. Việc thúc đẩy chi tiêu có thể giúp nền kinh tế trở lại quy mô trước đại dịch COVID-19 trước khi tăng thuế bán hàng vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, cho đến khi mục tiêu đó trở nên chắc chắn, BoJ có thể sẽ không rút lại gói kích thích chi tiêu.
Lạm phát của Nhật Bản đã tăng tốc trở lại vào tháng 4 sau khi hạ nhiệt vào đầu năm. Giá tiêu dùng lõi không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 3,4% so với một năm trước, tăng nhanh so với tháng trước do giá thực phẩm chế biến và khách sạn tăng. Sự tăng tốc của chỉ số được coi là thước đo lạm phát chính này có thể sẽ củng cố quan điểm cho rằng BoJ sẽ nâng mức dự báo giá cả, dẫn đến suy đoán về việc điều chỉnh chính sách vào đầu tháng 7/2023.
Trong báo cáo triển vọng hàng quý mới nhất, BoJ dự đoán lạm phát lõi chỉ ở mức 1,6% trong tài khóa 2025, có nghĩa mục tiêu lạm phát bền vững 2% sẽ không đạt được trong giai đoạn dự báo. Thống đốc BoJ Ueda vẫn cho rằng lạm phát sẽ dưới mức 2% vào cuối tài khóa hiện nay (bắt đầu vào tháng 4/2023).
Tuy nhiên, nếu chỉ số trên tiếp tục ở mức trên 2%, với các yếu tố kéo theo nhu cầu như chi tiêu trong nước lên cao làm tăng lạm phát, thì lập luận về việc duy trì gói kích thích chi tiêu sẽ càng trở nên khó khăn.