Chiều 30/7, Tòa án quân sự quân khu 7 tiếp tục thẩm vấn ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”, cựu thượng tá quân đội, cựu Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) về việc xin cấp biển số xe công vụ rồi đem thế chấp, cho thuê, cho mượn.
Theo cơ quan công tố, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P thành lập ban đầu với vốn góp 51% từ Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng. Ông Cung Đình Minh (Trưởng phòng Kế hoạch và đầu tư) và Đinh Ngọc Hệ (Phó phòng kinh doanh) là đại diện cổ phần của Tổng Công ty Thái Sơn tại doanh nghiệp này.
Lợi dụng danh nghĩa là “công ty con”, ông Hệ thông qua Ban Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn đã đề nghị các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua xe bằng vốn tự có và đăng ký 38 xe biển quân sự (biển đỏ), biển xanh 80A.
Ông Hệ chỉ đạo Trần Văn Lâm (Tổng giám đốc Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) thế chấp xe cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền. Trong đó, 12 xe (4 xe biển 80A, 8 xe quân sự) thế chấp tại Ngân hàng PGBank, 6 xe (hai biển xanh, 4 quân sự) thế chấp MBBank; 4 xe biển quân sự tại BIDV, 7 xe biển xanh 80A thế chấp Ngân hàng Liên Việt và VPBank.
Ông Lâm theo chỉ đạo còn cho ba công ty thuê ba xe biển quân sự, hai xe biển xanh 80A và giao một số xe cho nhiều người ngoài xã hội sử dụng.
Nhà chức trách xác định, tranh thủ việc buông lỏng quản lý của Tổng công ty Thái Sơn, ông Hệ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để báo cáo không trung thực về việc Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P thực hiện nhiệm vụ kinh tế quốc phòng nhằm được cấp có thẩm quyền cấp biển xe quân sự, biển xanh 80A.
29 xe đã bị sử dụng trái pháp luật bằng việc cho thuê, thế chấp gây thất thu hơn 3,1 tỷ đồng thuế trước bạ; gây ảnh hưởng uy tín của Quân đội và cơ quan nhà nước.
Bị cáo Lâm khai, ông Hệ là người quyết định cho thuê, thế chấp, cho mượn các xe này. Một số nhân chứng khác cũng xác nhận việc được ông Hệ cho mượn xe.
Ông Cung Đình Minh khai có biết một số xe được mang thế chấp, song không biết việc cho thuê xe. “Ông có biết công ty sử dụng các hợp đồng mua xe làm tài sản thế chấp vay tiền?”, luật sư của bị cáo Hệ hỏi. Ông Minh đáp: “Lâu rồi tôi không thể nhớ”.
Theo cáo buộc của VKS Quân sự Trung ương, qua việc cho thuê, mượn xe công vụ, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã thu về hơn 6 tỷ đồng. Trình bày trước toà chiều nay, ông Hệ đã phủ nhận, nói đây là chủ trương của ban giám đốc điều hành công ty. “Mặc dù đại diện pháp luật song bị cáo đã ủy quyền toàn bộ cho Ban giám đốc điều hành”, ông Hệ nói.
Bị cáo Hệ khai thuê người học để được cấp bằng tốt nghiệp đại học
Theo VKS, biết rõ việc mua bằng đại học giả khi không tham gia các khoá đào tạo tại trường đại học là vi phạm pháp luật song ông Hệ vẫn sử dụng vào mục đích kê khai hồ sơ đảng viên, đề nghị nâng lương, phiên phong quân hàm trái quy định. Vì thế "đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự" của các bị cáo. Cũng do vậy, ông Hệ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo khoản 2 điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.
Làm rõ hơn nội dung này khi thẩm vấn sáng nay, chiều 30/7 thẩm phán Nguyễn Hồng Phong tiếp tục quay lại xét hỏi. Bị cáo Hệ khai bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành quản trị do nhờ người khác học mà có. Đến năm 2005, bị cáo mới biết đó là bằng giả và không sử dụng nữa.
Tuy nhiên, đại diện VKS chứng minh, trong hồ sơ xét nâng lương, thăng quân hàm vào các năm 2007, 2010, 2012 bị cáo Hệ đều nộp tấm bằng tốt nghiệp này. Tại lý lịch đảng viên đề ngày 8/12/2012, ông Hệ khai đã học tại Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên ngành quản trị kinh doanh, ghi rõ "cam đoan khai đầy đủ, rõ ràng". Trong phiếu đảng viên, bị cáo ghi học tại Đại học Kinh tế quốc dân khóa 1996-2000, cũng "cam đoan đúng sự thật" rồi ký tên.
Trước các chứng cứ được nêu trên, ông Hệ phủ nhận, cho rằng các cơ quan chức năng đã thẩm định sai. "Bị cáo không kê khai như vậy. Sự thật là như thế, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét”, ông ta nói.