Trong hơn một thập kỷ qua, Facebook đã nỗ lực để trở thành nền tảng trực tuyến thống trị thế giới. Mạng xã hội này hiện đang hoạt động tại hơn 190 quốc gia và tự hào có hơn 2,8 tỷ người dùng hàng tháng sử dụng hơn 160 ngôn ngữ.
Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn các nền tảng của mình trở thành nơi phát tán nội dung kích động thù địch và thông tin sai lệch đã không theo kịp với sự mở rộng toàn cầu của họ.
Facebook đã thừa nhận các phần cốt lõi của nền tảng dường như bị ràng buộc để truyền bá thông tin sai lệch và nội dung gây chia rẽ. Một bản ghi nhớ nội bộ đã cảnh báo "cơ chế sản phẩm cốt lõi" của Facebook đã để cho các nội dung thù hận và thông tin sai lệch phát triển trên nền tảng này. Bản ghi nhớ nói thêm rằng các chức năng cơ bản của Facebook là "không trung lập".
Theo hãng thông tấn Reuters, các tài liệu nội bộ của công ty cho thấy Facebook đã không thuê đủ nhân viên có cả kỹ năng ngôn ngữ và kiến thức về các sự kiện địa phương cần thiết để xác định các bài đăng bị người dùng báo cáo ở một số quốc gia.
Các tài liệu cũng cho thấy rằng hệ thống trí tuệ nhân tạo mà Facebook sử dụng để xử lý những loại nội dung gây tranh cãi thường xuyên không đáp ứng được nhiệm vụ và công ty không để người dùng gắn cờ các bài đăng vi phạm quy tắc.
Trong một bài đánh giá được đăng lên bảng tin nội bộ của Facebook vào năm ngoái về cách công ty xác định các hành vi lạm dụng trên trang web của mình, một nhân viên đã báo cáo "khoảng trống đáng kể" ở một số quốc gia có nguy cơ xảy ra bạo lực trong thế giới thực, đặc biệt là Myanmar và Ethiopia.
Trong ngày 25/10, Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook, người đã cung cấp bằng chứng về việc công ty không quan tâm đến lợi ích của người dùng, đã ra điều trần trước một ủy ban của quốc hội Anh đang xem xét dự thảo luật về tác hại trực tuyến.
Haugen cho biết Facebook không bao giờ đặt ưu tiên cho các nội dung gây chia rẽ.
"Nhưng những sự kiện như chúng ta đã thấy ở Myanmar và Ethiopia chỉ là chương mở đầu cho một loạt các vấn đề mới do tình trạng này thúc đẩy", Haugen tuyên bố. "Facebook chỉ có một lượng nhỏ nội dung kích động bạo lực. Nhưng bạn chỉ cần 3% dân số để có một cuộc cách mạng."
Trong buổi điều trần, Haugen chỉ ra cách Facebook khuếch đại sự căm thù trực tuyến, nói rằng các thuật toán ưu tiên sự tương tác sẽ đẩy đám đông đi đến cực điểm.
Các thông tin khác được công bố vào thứ Hai như một phần của Hồ sơ Facebook, đề cập đến việc Facebook không có khả năng giải quyết ngôn từ kích động thù địch và nội dung có hại bên ngoài nước Mỹ.
Hãng tin AP cho biết tình trạng kích động thù hận và thông tin sai lệch trên Facebook về cơ bản còn tồi tệ hơn nhiều tại những quốc gia không nói tiếng Anh. Facebook thường ủy quyền hoàn toàn cho các đơn vị bên ngoài để kiểm duyệt các thông tin không sử dụng tiếng Anh, phần mềm của công ty này cũng không hoàn toàn hiểu được một số ngôn ngữ nhất định, trong đó có tiếng Ả Rập.
Phần mềm kiểm duyệt theo thuật toán của công ty chỉ có thể xác định 0,2% nội dung độc hại ở Afghanistan, theo một báo cáo nội bộ được thực hiện vào đầu năm nay do trang Politico đưa tin.
Phần còn lại của tài liệu độc hại phải được nhân viên gắn cờ, mặc dù công ty thiếu người kiểm duyệt có thể nói tiếng Pashto hoặc Dari, các ngôn ngữ chính của quốc gia này. Các công cụ để báo cáo tài liệu độc hại trong nước chỉ có sẵn bằng tiếng Anh, mặc dù ngôn ngữ này không được sử dụng rộng rãi ở Afghanistan.
Theo AP, hai năm trước, Apple đã đe dọa xóa Facebook và Instagram khỏi kho ứng dụng của mình vì lo ngại các nền tảng này đang được sử dụng để "buôn bán" người giúp việc gia đình, một lĩnh vực có nguy cơ lạm dụng và nô lệ hóa cao. Lời đe dọa đã bị loại bỏ sau khi Facebook công bố chi tiết về nỗ lực giải quyết vấn đề.
Một tài liệu được Financial Times xem xét cho thấy một nhân viên Facebook tuyên bố nhóm chính sách công của Facebook đã chặn các quyết định gỡ bài đăng "khi họ thấy rằng chúng có thể gây hại cho các chủ thể chính trị quyền lực".
Người phát ngôn của Facebook Mavis Jones cho biết trong một tuyên bố rằng công ty có người bản ngữ trên toàn thế giới xem xét nội dung bằng hơn 70 ngôn ngữ, cũng như các chuyên gia trong các vấn đề nhân đạo và nhân quyền.
Các nhóm này vẫn đang làm việc để ngăn chặn tình trạng lạm dụng trên nền tảng của Facebook ở những nơi có nguy cơ xung đột và bạo lực cao.
"Chúng tôi biết những thách thức này là có thật và chúng tôi tự hào về công việc mà chúng tôi đã làm cho đến nay", bà Jones nói.