Báo cáo có tiêu đề “Ấn bản năm 2024 về Thực trạng Khai thác và Nuôi trồng Thủy sản Thế giới (SOFIA)” cho thấy sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu trong năm 2022 đạt 223,2 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2020. Theo đó, lần đầu tiên, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã vượt sản lượng đánh bắt, trở thành nguồn sản phẩm động vật thủy sản chính vào năm 2022.
Giám đốc Cơ quan Nông nghiệp và Ngư nghiệp thuộc FAO, ông Manuel Barange, nhận định đây là một “kết quả tích cực” khi sản lượng thủy sản tiếp tục gia tăng mà không gây ảnh hưởng đến môi trường biển. Ông giải thích rằng điều này là do sản lượng thủy hải sản trên biển hiện chiếm chưa đầy 40% tổng sản lượng khai thác thủy hải sản nói chung.
Theo báo cáo của FAO, 10 quốc gia - bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc, Na Uy, Ai Cập và Chile - chiếm hơn 89,8% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản.
Mức tiêu thụ thực phẩm động vật thủy sản toàn cầu đạt 162,5 triệu tấn vào năm 2021, trong khi mức tiêu thụ bình quân đầu người hằng năm trên toàn cầu đã tăng từ 9,1 kg vào năm 1961 lên 20,7 kg vào năm 2022. Với nguồn protein chất lượng cao, thực phẩm thủy sản đã cung cấp ít nhất 20% protein động vật cho 3,2 tỷ người vào năm 2021. Ông Barange khẳng định do vậy, nuôi trồng thủy sản trở thành một “công cụ hiệu quả” để chống đói nghèo, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
Tuy nhiên, dù sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng vọt, sản lượng đánh bắt vẫn là nguồn sản xuất động vật thủy sản thiết yếu. Theo FAO, sản lượng động vật thủy sản dự kiến sẽ tăng 10% đến năm 2032, đạt 205 triệu tấn, nhờ mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và khôi phục nghề đánh bắt.
Báo cáo SOFIA đưa ra phân tích toàn diện về nguồn lợi thủy sản và thương mại hải sản toàn cầu, được xuất bản hai năm/lần và do FAO chủ trì.