Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An vào cuộc
Ngày 29/09, thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Long An xác nhận, vụ việc ông Nguyễn Hữu Tâm (SN 1946, ngụ ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) tử vong do phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Long An vẫn chưa được làm rõ.
Gần đây nhất, ngày 20/07, Bệnh viện Đa khoa Long An đã có công văn số 3241/BVĐKLA-CTXH trả lời cho bà N.T.P.V., (con của ông Tâm) về việc trả lời đơn kiến nghị, phản ánh.
Cụ thể, ngày 17/07, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An nhận được Phiếu chuyển đơn số 3540/SYT-TTr ngày 13/07/2023 của Sở Y tế Long An về việc chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của bà N.T.P.V. Đơn có nội dung cầu cứu liên quan đến sự thờ ơ, vô trách nhiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.
Căn cứ nội dung đơn kiến nghị, phản ánh của bà N.T.P.V., Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An xác nhận, sau khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện đã giải thích và chia sẻ cùng người nhà bệnh nhân, đồng thời đã báo cáo Sở Y tế Long An và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An về toàn bộ sự vụ.
Trong thời gian qua, bệnh viện đã cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An và Sở Y tế Long An.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An khẳng định, trường hợp tử vong của bệnh nhân N.H.T, là điều không mong muốn của bệnh viện, một lần nữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An xin được chia sẻ sự mất mát to lớn cùng gia đình.
Liên quan đến vụ việc, người nhà bệnh nhân cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ một số nội dung. Theo đó, thân nhân của bệnh nhân cho rằng, điều dưỡng tại bệnh viện không thực hiện đúng y lệnh khi tiêm kháng sinh.
Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
Đối với kháng sinh Tenfotin 2g tiêm tĩnh mạch chậm để chuẩn bị tiểu phẩu điều trị mụn nhọt do đây không phải trường hợp cấp cứu. Điều dưỡng thực hiện 133g/p có đúng y lệnh tiêm tĩnh mạch chậm không? Và bác sĩ ra y lệnh có kiểm tra lại không ?
Điều dưỡng đã dùng 1 ống tiêm 5cc, tiêm một lần duy nhất trong vòng 3 phút trước sự chứng kiến của người nhà. Theo lý giải của Hội đồng chuyên môn Long An, dùng ống tiêm 5cc bơm 1 lần 20ml nước cất vào 1 lọ Tenafotin 2g thì có hợp lý không?
Bệnh nhân nhập viện không đau tức ngực, không sốt và tự đi làm các cận lâm sàng. Bệnh nhân được xét nghiệm máu, đo điện tim, chụp XQ phổi theo y lệnh bác sĩ điều trị, ăn uống, sinh hoạt bình thường trong 4 tiếng kể từ khi nhập viện.
Ngay lập tức sau khi được tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch 3 phút, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở, buồn nôn, ho… Điều dưỡng đã đi gọi bác sĩ và sau đó, bệnh nhân được chuyển về phòng điểm để hồi sức cấp cứu, trong tình trạng tím tái, sủi bọt hồng, mạch huyết áp không đo được, khi đó mới được tiêm Adrenalin.
Ngay lúc bệnh nhân tự phát hiện có triệu chứng sốc, điều dưỡng không tận dụng hộp thuốc chống sốc (theo Thông tư 51/2017/TT-BYT của Bộ Y tế), bắt buộc phải đem theo trên xe tiêm chích. Điều dưỡng đã bỏ bệnh nhân với rất đông người nhà và người bệnh xung quanh, chạy đi báo Bác sĩ trực, kéo băng ca đến buồng bệnh, đưa người bệnh lên xe di chuyển đến buồng điểm, rồi mới tiến hành hồi sức cấp cứu…
Đến lúc này, bệnh nhân mới được tiêm thuốc chống sốc, thở o-xy, lập đường truyền tĩnh mạch, đặt nội khí quản…
Người nhà bệnh nhân còn cho rằng, các y – bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Long An đã để mất một khoảng thời gian “tối cần thiết” để cứu sống người bệnh nội viện khi sốc phản vệ do thuốc. Vì vậy, có đúng quy trình, quy định xử trí khi có sự cố y khoa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh – phản ứng phản vệ sau tiêm kháng sinh hay không?
Vấn đề nữa, thân nhân của bệnh nhân đặt ra, tại sao không “báo động đỏ” toàn khoa ngoại, toàn bệnh viện vì trong giờ hành chánh có đầy đủ nhân lực, tận dụng tối đa thời gian vàng để bệnh nhân có cơ hội được sống?