Gần 3 tháng tìm sự thật vụ tai nạn ở trường Nam Trung Yên

(Ngày Nay) - Việc bà Tạ Thị Bích Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) kể những câu chuyện khác nhau về tai nạn của con trai và lấy phiếu khảo sát toàn trường khiến anh Dũng quyết tâm tìm ra sự thật.
 Anh Trần Chí Dũng sẵn sàng phối hợp cùng cơ quan chức năng tiếp tục điều tra vụ việc. Ảnh: Thanh Tâm
Anh Trần Chí Dũng sẵn sàng phối hợp cùng cơ quan chức năng tiếp tục điều tra vụ việc. Ảnh: Thanh Tâm

Sáng 21/2, tại nhà riêng ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), anh Trần Chí Dũng vui vẻ tiếp nhiều khách đến hỏi thăm, khác với vẻ bức xúc trước đó. Anh bảo gần 3 tháng qua đã có nhiều đêm trăn trở làm sao tìm ra sự thật vụ tai nạn khiến con trai Trần Chí Kiên bị gãy xương đùi vào ngày 1/12/2016.

Con trai anh trong tuần đầu tiên sau tai nạn thường hoảng loạn, nghĩ mình đã gây ra lỗi. Khi gia đình hỏi, cháu luôn lảng tránh vì sợ bố mẹ trách phạt. Đến khi tâm lý ổn định, được bố mẹ động viên, Kiên mới kể lại bị ôtô đâm và trên xe có cô hiệu trưởng. Nghe con kể, cộng với việc bác sĩ khẳng định chấn thương gãy xương đùi phải do va đập rất mạnh, anh Dũng dấy lên nghi ngờ.

Anh bắt đầu tiếp xúc với nhà trường và cơ quan chức năng. Trong khi đó, Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc liên tiếp kể những câu chuyện khác nhau về nguyên nhân tai nạn, lúc do tự ngã, lúc va vào xe đỗ trong sân trường, lúc lại do va vào taxi ở sân sau trường - nơi không được phép chơi... Cách trả lời quanh co cùng với việc nhà trường lấy phiếu khảo sát về tai nạn khiến anh Dũng quyết tâm tìm ra sự thật.

Người bố chủ động thu thập thông tin bằng cách vận động phụ huynh học sinh chơi cùng cháu Kiên khuyên con kể lại sự việc. "Điều này không dễ dàng vì phụ huynh nào cũng sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của con", anh Dũng cho biết.

Ngày 13/12/2016, khi nhận được thông tin Hiệu trưởng gửi đơn đến các cơ quan báo chí để thanh minh, anh Dũng đã chỉ ra những điểm sai lệch. "Tôi may mắn vì không chỉ tôi mà rất đông giáo viên đồng loạt đứng lên nói ra sai phạm của Hiệu trưởng trong đơn thư đó", anh Dũng chia sẻ.

Ba tháng qua là khoảng thời gian khó khăn không chỉ của Kiên mà của cả gia đình cháu. Con không thể đến trường, không tự đi lại nên luôn cần một người phụ giúp. Vợ chồng anh Dũng thay phiên nhau nghỉ làm để chăm sóc con, đồng thời tìm hiểu thông tin liên quan vụ việc và giấu kín thông tin đó với Kiên.

Lo sợ con có thể chấn động tâm lý, gia đình không cho Kiên xem bất cứ báo cáo, bài viết nào. "Khi thấy tivi nói về vụ tai nạn, tôi nhanh chóng kéo cháu vào phòng chơi. Tôi muốn con nghĩ vụ việc đã qua, bố mẹ không trách cứ gì", anh nói.

Sự thật chiến thắng

Biết tin ngày 20/2 Công an thành phố báo cáo kết quả sơ bộ vụ việc, Hiệu trưởng, Hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên bị cách chức, anh Dũng thấy vui vì sự thật đã chiến thắng, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giáo viên được phơi bày và "mừng hơn khi khẳng định con trai không nói dối".

"Nhưng không phải vì thế mà tôi đánh giá thấp tất cả giáo viên. Hiệu trưởng, Hiệu phó trong trường hợp này chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh. Tôi hy vọng các giáo viên khác nhìn vào đó để rút ra bài học về đạo đức nghề nghiệp", anh Dũng chia sẻ. Gia đình sẽ tiếp tục phối hợp với công an để đi đến kết luận cuối cùng của vụ việc.

Cháu Kiên đã được tháo bột, đang tập đi bằng nạng. Gia đình đang xem xét chuyển trường cho cháu để tránh gặp lại những ký ức không vui. Hôm nay, Kiên đến trường mới kiểm tra kiến thức sau gần 3 tháng nghỉ học.

Sau tai nạn với con trai, người cha hy vọng chính quyền Hà Nội và các cơ quan chức năng cấm phương tiện di chuyển trong giờ hoạt động của học sinh. "Tôi vẫn quan sát thấy phương tiện di chuyển ở một số trường học hàng ngày. Hy vọng việc này bị cấm để tai nạn của con trai tôi là cuối cùng", anh Dũng chia sẻ.

 Gần 3 tháng tìm sự thật vụ tai nạn ở trường Nam Trung Yên ảnh 1

Cháu Trần Chí Kiên đã bắt đầu tập đi bằng nạng. Ảnh gia đình cung cấp

Trước đó ngày 1/12/2016, gia đình anh Trần Chí Dũng nhận được điện thoại của cô giáo trường Nam Trung Yên thông báo con trai Trần Chí Kiên bị ngã gãy chân, đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ khẳng định học sinh tự ngã không thể gây gãy xương đùi. Còn cháu Kiên cho biết đã va chạm với xe Hyundai chạy trong sân trường, trên xe có cô hiệu trưởng.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc phủ nhận ngồi trên chiếc xe gây tai nạn. Nhà trường còn phát phiếu khảo sát cho ra kết quả 100% giáo viên, học sinh không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ôtô nào.

Từ phản ánh của gia đình và báo chí, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cơ quan công an điều tra vụ việc. Ngày 20/2, Công an thành phố kết luận Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc ngồi trên taxi khi cháu Kiên lâm nạn, nhưng lại không thừa nhận. Điều này cho thấy hiệu trưởng không trung thực trong báo cáo, cố tình che giấu vi phạm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.