“Cách lý giải của bà hoàn toàn mâu thuẫn và không đúng sự thật với những gì thông tin trước đó”- anh Dũng cho hay.
Anh Dũng cũng chỉ ra những điểm không đúng trong lời trần tình của vị hiệu trưởng này: “Trong đơn thư gửi các cấp, tôi không nói bà Ngọc hay bà phó hiệu trưởng lái xe đâm vào con tôi. Hơn nữa, việc lấy phiếu khảo sát thầy cô, học sinh theo yêu cầu từ phía gia đình là không đúng. Gia đình chỉ yêu cầu bà cung cấp nguyên nhân xảy ra tai nạn cho cháu mà thôi”- anh Dũng nói.
Ngoài ra, cũng theo anh Dũng, trước đó bà hiệu trưởng vẫn khăng khăng là cháu tự ngã khi chơi ngoài sân thì đến 24/12 bà mới chợt nhớ ra là có xe ô tô vào trường và giải thích là do thuốc gây tê
Vết thương của cháu Kiên |
“Nhưng sao lúc cháu xảy ra tai nạn là 10h thì chỉ 30 phút sau là 10h30 phút bà đã tỉnh táo gọi điện cho vợ tôi thông báo tình hình của con. Bà vẫn đủ tỉnh táo để đồng ý việc phát phiếu điều tra cơ mà”- anh Dũng đặt câu hỏi.
Theo anh Dũng, nếu ngày xảy ra sự việc, bà hiệu trưởng có gây mê dẫn đến không nhớ việc xảy ra nhưng đi cùng bà là cô Hương (hiệu phó) tại sao sự việc xảy ra nhiều ngày sau đó, trải qua nhiều buổi làm việc cả hai cô vẫn khẳng định không có xe ô tô nào đi vào trường cho đến ngày 24/12 mới chợt nhớ ra?
“Bà Hương còn trẻ không hề bị gây tê thì sao cũng quên như vị hiệu trưởng kia. Nếu nhớ nhớ quên quên như vậy cả hai cô có đủ năng lực để lãnh đạo trường không?”, anh Dũng nói.
Như đã đưa tin, ngày 1/12, học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4 bị ngã gãy chân trong trường Tiểu học Nam Trung Yên. Nhà trường cho rằng, học sinh tự chạy bị ngã, không có xe ô tô vào ra sân trường hôm xảy ra sự việc. Sau nhiều buổi làm việc đến ngày 24/12, hiệu trưởng trường nhớ ra, hôm đó có cho taxi đi vào sân trường nhưng khi đi vào không có va chạm.
Ngày 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị xử lý, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của trường chờ điều tra. Đến thời điểm này, vụ việc vẫn chưa có kết luận và hình thức xử lý. Trong khi đó, học sinh Trần Chí Kiên vẫn đang điều trị, chưa thể đi lại.
Theo Tiền Phong