Người Lao Động đưa tin, ngày 25/11, Bệnh viện đa khoa Thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết đang theo dõi tình trạng sức khỏe cho 5 học sinh tiểu học sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella.
Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi có phản ứng sốc sau tiêm vắc-xin. |
Sáng cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng Ayun Pa phối hợp với Trạm Y tế phường Đoàn Kết tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella đợt 2 tại điểm tiêm Trường Tiểu học Nay Der (phường Đoàn Kết). Sau khi tiêm, 5 học sinh có biểu hiện mệt, chóng mặt, choáng váng... nên được đưa đến Bệnh viện đa khoa Thị xã Ayun Pa cấp cứu, theo dõi.
Vào ngày 24/11, cũng tại điểm trường này, 4 học sinh sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cũng có biểu hiện sốt, nôn mửa, ngất xỉu… Sau khi xử lý tại chỗ, các học sinh được chuyển gấp đến Bệnh viện đa khoa khu vực Ayun Pa cấp cứu. Đến đầu giờ chiều, 3 học sinh đã ổn định sức khỏe, được chuyển qua khoa Nhi tiếp tục theo dõi. Một học sinh bị nặng đang được điều trị tích cực tại khoa hồi sức cấp cứu.
Ngày 17/11, Bệnh viện đa khoa khu vực Ayun Pa cũng đã cấp cứu kịp thời cho 8 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ia Sao, Ayun Pa) phản ứng sốc sau tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella. Nguyên nhân ban đầu được xác định do các em bị sốc phản vệ và hội chứng stress dây chuyền sau tiêm vắc-xin.
Tương tự, tình trạng trên cũng xảy ra tại tỉnh Đồng Nai.
Khoảng 10h30 ngày 21/11, sau khi được các nhân viên y tế tiêm phòng vắc-xin sởi - rubella, một số em học sinh lớp 5 tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) có dấu hiệu buồn nôn, tay chân tê, mệt mỏi, theo VnExpress.
Thấy dấu hiệu bất thường, các nhân viên y tế cùng thầy cô đã đưa các em nhập Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom theo dõi, đồng thời tạm ngừng công tác tiêm phòng. Trước khi sự việc xảy ra, khoảng 30 em học sinh cũng được tiêm nhưng không có dấu hiệu gì.
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai giải thích nguyên nhân xảy ra sự việc này là do một bé có thể trạng yếu, tâm lý sợ tiêm đau nên có dấu hiệu mệt mỏi, tê cứng tay chân, buồn nôn. 11 trẻ còn lại chỉ là tâm lý dây chuyền.
"Đây là tình trạng bình thường rất dễ hiểu vì tâm lý các em lớn tuổi tiêm vắc-xin hay sợ đau chứ vắc-xin hoàn toàn đạt chất lượng", bác sĩ Ngưỡng cho biết thêm.
Được biết, đây là đợt tiêm phòng thứ hai cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi trên địa bàn toàn huyện, trước đó huyện này đã tiêm cho 23.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Theo Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, việc tiêm phòng vắc-xin trên được các nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình về bảo quản, vận chuyển vắc-xin và tiêm phòng.
Theo bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom, sức khỏe của 12 học sinh đã tạm ổn định.
Xem thêm:
Mâu thuẫn gia đình, bố giết con gái đang mang thai