Giải bài toán nguồn cung nguyên liệu cho các làng nghề

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại… thì việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định bởi nguyên liệu có vai trò quan trọng đến sự sản xuất của các làng nghề. Tuy nhiên, đây cũng đang là bài toán không dễ với các làng nghề ở Hà Nội.
Giải bài toán nguồn cung nguyên liệu cho các làng nghề

Khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung

Số liệu khảo sát mới nhất của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho thấy, trung bình một năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.800 tấn nguyên liệu các loại, trong đó, trung bình một doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 50 tấn nguyên liệu/tháng, hộ gia đình tiêu thụ khoảng 20 tấn nguyên liệu/tháng; các làng nghề gốm sứ tiêu thụ khoảng 620.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu là đất sét và cao lanh; các làng nghề sơn mài khoảng 4.000 tấn; làng nghề gỗ khoảng trên 1.000.000m³ gỗ.

Từ số liệu trên cho thấy, nguyên liệu có vai trò quan trọng đến sự phát triển bền vững đối với các làng nghề. Ông Vương Đình Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội chia sẻ, thực tế cho thấy, hiện nay nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như mây, song, giang, tre, gỗ, cói, cao lanh, sừng… ở Việt Nam đang rất thiếu. Do đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hay làng nghệ thủ công mỹ nghệ đã gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu.

Nguyên nhân của việc vùng nguyên liệu bị thu hẹp là do thiếu diện tích đất quy hoạch vùng trồng, trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn. Riêng nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất, do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước.

Có thể thấy, việc thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất tại các làng nghề ở Hà Nội, đã khiến cho nhiều làng nghề truyền thống phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, điều này đã làm cho các hộ sản xuất không chủ động được.

Dù nhiều năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành lập quy hoạch vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, các quy hoạch này đều chưa xác định được vùng nguyên liệu cụ thể. Các quy hoạch chỉ tiến hành cho từng tỉnh, từng địa phương riêng rẽ mà chưa gắn kết quy mô vùng nhằm tận dụng tối đa lợi thế vùng miền trên cả nước.

Xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có nghề mây tre giang đan truyền thống lâu đời. Nghề đã tạo việc làm và thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân trong xã. Song, hiện nay, làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất.

Chia sẻ về khó khăn này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người nhiều năm nặng lòng với việc gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), cho biết, hiện nguyên liệu mây tre lá cỏ đang có ở địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu cần sử dụng nguyên liệu của thị trường. Do đó, các doanh nghiệp đã tự đi tìm những vùng nguyên liệu để tổ chức thu mua, hướng dẫn kỹ thuật khai thác và xử lý, bảo quản nguồn cung nguyên liệu đảm bảo phục vụ quá trình sản xuất.

Bên cạnh việc thiếu nguồn cung nguyên liệu, một cái khó nữa được ông Nguyễn Văn Trung cho biết, đó là thông tin hai chiều kết nối giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu đầu vào còn hạn chế, dẫn đến việc nguồn cung không đáp ứng cầu, do vậy dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ của cả hai bên.

Có thể thấy rõ, với sự khan hiếm của nguyên liệu, dẫn đến giá thành nguyên liệu tăng cao, tăng chi phí sản xuất sản phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người sản xuất…

Xây dựng chuỗi liên kết vùng nguyên liệu từ các địa phương

Để tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết ổn định với vùng nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm mang lại hiệu quả cho cả hai phía.

Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sản phẩm mây tre, đổi mới dây chuyền công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của các làng nghề Hà Nội từ mây tre theo hướng cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm...

Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có từ 6-10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 3-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của Thành phố.

Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mục tiêu theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 Thành phố đề ra, bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại… thì việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định.

Đưa ra khuyến nghị về việc này, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều cho rằng, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp, trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn. Trong khi Lào lại có nhiều tiềm năng trong phát triển vùng nguyên liệu do có quỹ đất lớn, tập trung, rất thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quy mô lớn.

Các chuyên gia trong ngành thủ công mỹ nghệ cũng cho rằng, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất; định hướng phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển làng nghề Hà Nội để hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề, tạo chuỗi liên kết phát triển và tiêu thụ sản phẩm...

Về lâu dài, mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật, phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học để phát triển và khai thác đa dạng nguồn nguyên liệu nhằm thay thế một số loại nguyên liệu bị khan hiếm hoặc khắc phục hạn chế nhược điểm một số loại nguyên liệu nhằm cung ứng cho thị trường nguồn nguyên liệu đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng…

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).