“Được mùa” giải thưởng
Trước hết phải kể tới cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, kéo dài 2 năm (2018-2019). Ngay từ tên gọi “Lửa Mới”, cuộc thi cho thấy khát vọng tìm kiếm những tác giả mới, những giá trị văn chương mới. Chính vì thế, BTC cuộc thi đã khuyến khích mọi người viết tham gia, không giới hạn số lượng chữ, đề tài, khuynh hướng sáng tác. Và sau 2 năm phát động, có tới hơn 2.000 bản thảo của 317 tác giả gửi về tham gia dự thi. Kết quả chung cuộc, truyện ngắn “Nhà Thánh” của Vũ Thanh Lịch đã được trao giải Nhất, giải Nhì “Người về Tranh Sơn” của Phạm Thu Hà; “Bông điên điển hồng” và “Người trở về”của Bảo Thương. Ngoài ra cuộc thi còn trao các giải Ba, giải Tư…
Có thể nói, trong khi các cuộc thi văn chương gần đây thường phải bỏ trống giải Nhất vì không tìm được tác phẩm để trao, hoặc trao cho chùm tác phẩm thì cuộc thi Lửa Mới đã tìm được tác giả - tác phẩm để trao là một thành công. Hơn nữa, việc chỉ trao giải Nhất cho một truyện ngắn cho thấy sự tự tin của đơn vị tổ chức.
Bên cạnh Lửa Mới, các hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn TPHCM, Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao nhiều giải thưởng văn chương, chứ không “bỏ trống”, “mất mùa” như nhiều năm trước. Cụ thể, Hội Nhà văn TPHCM trao Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2019 cho 2 tiểu thuyết “Buổi chiều đi qua cánh đồng” của nhà văn Cao Chiến và “Sóng” của nhà văn Trương Anh Quốc. Đây là lần đầu tiên có 2 tác phẩm văn xuôi và là 2 tiểu thuyết đạt Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài ra, Hội Nhà văn TPHCM cũng có 2 tặng thưởng dành 2 tập thơ “Biên bản thặng dư” của Phùng Hiệu và “Phơi riêng tư” của Nguyệt Phạm.
Trong khi đó, Hội Nhà văn Hà Nội cũng đã trao giải cho 2 tác phẩm “Thị dân tiểu thuyết” của nhà văn Nguyễn Việt Hà và tập phê bình, tiểu luận “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” của nhà văn Bùi Việt Thắng. Ngoài ra, Hội Nhà văn Hà Nội cũng quyết định trao tặng “Giải thưởng văn học trọn đời” cho các tác phẩm của nhà văn Lê Minh Khuê.
Còn Hội Nhà văn Việt Nam đã trao cho 8 tác phẩm, đó là tập truyện ngắn “Quán thủy thần” của Nguyễn Hải Yến; tập ký sự “Trụ lại” của Hồ Duy Lệ; tập thơ “Bay trong mơ” của Trần Quang Đạo; tập thơ “Nguồn” của Trần Quang Quý; tập lý luận phê bình “Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học” của Phan Trọng Thưởng; tập lý luận phê bình “Những sinh thể văn chương Việt” của Lý Hoài Thu; tập lý luận phê bình “Tư tưởng và phong cách nhà văn những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Trần Đăng Suyền; tập thơ “Kiếm Hồ hoài cổ” (tập 2 - thơ chữ Hán danh nho Việt Nam) do Nguyễn Hữu Thăng dịch.
Có tạo nên cơn sóng?
Nhìn vào những kết quả giải thưởng trên, nhiều người cho rằng đó là một giai đoạn “được mùa” của văn chương Việt. Độc giả qua đó cũng có thêm những tác phẩm mới để tìm đọc, so sánh. Còn giới phê bình thì sao?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp- Viện trưởng Viện Văn học, thành viên Ban Chung khảo cuộc thi Lửa Mới, cho rằng: “Nhìn tổng thể, cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới đã thu được thành công đáng chú ý. Số lượng tác phẩm gửi về dự thi cho thấy văn chương chưa bao giờ mất đi sức hút và sự quyến rũ. Phần lớn các tác phẩm dự thi đều thể hiện trăn trở của người đương đại về các vấn đề đương đại, hoặc miêu tả các vấn đề nhân sinh từ cái nhìn chất vấn và suy tư. Tuy nhiên, vẫn chưa nhìn thấy ở cuộc thi này những bứt phá mang tính đột biến. Ngay cả ở những tác phẩm đoạt ngôi vị cao nhất, vẫn còn thiếu những khiêu khích mỹ học thể loại, chưa có những khám phá thật sâu, thật xoáy xiết về phận người trong những chiều kích khác nhau”.
Nhận xét cụ thể vào truyện ngắn được trao giải Nhất, PGS Nguyễn Đăng Điệp nói: “Tôi đánh giá cao truyện ngắn “Nhà Thánh” bởi lối viết xen cài ảo thực, giàu tính biểu tượng. Đó là câu chuyện về thời đại mất Chúa, cái thiêng bị lấn át bởi cái phàm và sự trả giá tất yếu”. Còn nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì đánh giá: “Lối viết của Vũ Thanh Lịch trong “Nhà Thánh”, theo tôi, vừa “bấu chặt” đời sống thực, vừa phiêu diêu, kỳ ảo”.
Trong khi đó, với giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, năm vừa rồi có thể là một mùa “mưa giải thưởng”. Tuy nhiên, những tác phẩm được xướng tên lại không tạo nên “cơn sóng” khiến người ta tìm đọc. Duy chỉ có cuốn “Thị dân tiểu thuyết” của Nguyễn Việt Hà mà Hội Nhà văn Hà Nội “gọi tên” là có tạo nên những cơn sóng nhỏ khiến nhiều người tìm đọc.
Chia sẻ về sự mất “thiêng” của nhiều giải thưởng văn chương trong thời gian qua, nhà văn Hoàng Quốc Hải từng cho rằng, ở ta, mỗi năm có đến mấy chục giải thưởng được trao, nhưng số phận của những tác phẩm được giải ấy sau khi in ra như thế nào, không biết được. Đánh giá giá trị của một tác phẩm, một phần do các nhà chuyên môn, nhưng kiểm chứng sự đánh giá chính xác đến đâu là ở công chúng. “Người ta không tìm đọc, không xem các tác phẩm được giải. Rất ít tác phẩm gây dư luận và có ảnh hưởng đến đời sống. Thậm chí, nhiều tác phẩm còn bị phanh phui vì không có giá trị thẩm mỹ. Trao giải như thế không khuyến khích người sáng tác. Nói riêng ở lĩnh vực văn học, cứ chọn một cách ngẫu nhiên, trong 10 giải thưởng ấy, in ra, xem tác phẩm nào bán được, có công chúng, thì giải thưởng đó chính xác. Thường những tác phẩm văn học - nghệ thuật ra đời, khoảng 5-7 năm sau không tái bản, coi như tác phẩm đó chết, bởi công chúng không có nhu cầu”- nhà văn Hoàng Quốc Hải phân tích.