Bà Thìn hay còn gọi là bà Ba, bà quê gốc ở Nam Định, chồng mất từ năm bà mới được gần 30 tuổi. Sinh được 2 người con nhưng hoàn cảnh khó khăn, bà phải mang đứa con gái cho người khác nuôi. Còn cậu con trai, do lấy chồng muộn, lại sinh đẻ khó nên lúc đẻ ra đầu óc không được bình thường, 6 tuổi mới biết nói. Năm nay bà đã 68 tuổi, cái tuổi của sự nghỉ ngơi nhưng bà vẫn phải vật lộn với cơm áo gạo tiền.
Khu chăn nuôi cũng là nơi cư trú của hai mẹ con bà nằm ngay sau chợ Long Biên, xung quanh đó cũng đều là nơi sinh sống của những người dân ngụ cư nghèo.
Đồ đạc lộn xộn, ngổn ngang, không gian chật hẹp, chỗ ăn chỗ ở là một góc trong khu nuôi lợn.
Buổi sáng, bà thường dậy từ 4 rưỡi- 5 giờ để nấu cơm.
Những tấm gỗ, tờ bìa người ta không dùng nữa thì bà xin về để nhóm lửa đun nấu.
Bữa cơm đạm bạc của bà có rau mùng tơi tự trồng được và dăm quả trứng cút luộc cùng.
Những năm trước đây, bà Thìn thường đi bộ hàng chục km để nhặt giấy, ve chai, bây giờ sức khỏe không còn như trước nên bà xin với người ta về khu chăn nuôi này để nhận nuôi thuê đàn lợn và được trả lương 2 triệu rưỡi một tháng. Tính đến nay cũng được hơn 6 năm.
Sáng nào cũng vậy, 6h 30 phút, bà Thìn trở về nhà với một cáng rau đầy được người ngoài chợ cho lợn ăn. Bà khoe: “Mùa này rau sẵn, họ cho nhiều nên tôi đỡ phải mua, đàn lợn ăn thêm rau rất chóng lớn”. Sau khi xin rau về, bà đi cho lợn ăn. Bà cẩn thận lọc hết túi nilon trong những thùng đựng thức ăn thừa xin được của hàng xóm rồi đổ cho lợn ăn.
Vừa cho lợn ăn bà vừa tỉ tê trò chuyện với chúng, con lợn nào sắp đẻ bà "ưu ái", vỗ về hơn những con khác trong đàn.
Dưới tay bà Thìn chăm nuôi, đàn lợn mới đẻ được một tháng đang lớn nhanh như thổi.
Bao giờ bà Thìn cũng vào tận chuồng, trông đàn lợn ăn ngon ngủ kỹ xong xuôi bà mới yên tâm.
Sau khi cho lợn ăn xong là bà tần tảo dọn dẹp chuồng trại. Ngoài đàn lợn, bà còn nhận nuôi giúp người hàng xóm đàn vịt. Mỗi lần bán được vịt, bà sẽ được người ta trả công 100 - 200.000 đồng, nếu bà không lấy, họ sẽ cho bà một con vịt.
Cô Thi là người hàng xóm thân cận của bà Thìn, cũng ở quê lên Hà Nội kiếm sống đang dọn dẹp đồ đạc cho nhà ông chủ.
Bà Thìn cho biết, vì cô Thi còn trẻ nên làm được nhiều việc, đi lại dễ nên hay về quê lắm. Còn bà thì già rồi đi lại không được, chị em ở xa nhau, có khi mấy năm mới được gặp nhau, Tết cũng chẳng được về khiến bà rất buồn và tủi thân.
Hết giờ nghỉ ngơi thong thả, bà lại ngồi nhặt rau chuẩn bị cho bữa tối. Một bữa tối đơn giản với nắm rau mùng tơi bà lọ mọ hái từ sáng. Bà tâm sự, cuộc sống nghèo khó bà không sợ, bà chỉ sợ bệnh tật ập đến không có ai chăm sóc bà, lo cho cậu con trai không được minh mẫn... Nói rồi, bà lại ngoảnh đi, sợ người khác nhìn thấy nỗi buồn của mình.