Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch COVID-19 xảy ra và hậu đại dịch cùng những diễn biến trong, ngoài nước đều là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Trước tình hình đó, Chính phủ luôn xác định phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, thoát khỏi trầm lắng. Trong thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách, hội nghị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, từng bước triển khai. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để khảo sát đánh giá tình hình, khó khăn của các địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng.
Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, trong suốt năm 2023, vượt qua nhiều thách thức, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản. Bởi ngân hàng xác định luôn luôn đồng hành với thị trường bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với tín dụng ngân hàng. Minh chứng là trong bối cảnh khó khăn nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt 2 triệu 890 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng và rất quan tâm giải ngân cho lĩnh vực nhà ở xã hội.
Phó Thống đốc khẳng định, bất động sản luôn là vấn đề được NHNN quan tâm trong chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ thị trường này phục hồi và phát triển ổn định. Chính vì thế, trong nhiều chính sách của NHNN đều dành cơ chế thoả đáng cho lĩnh vực bất động sản, kể cả những cơ chế hỗ trợ như giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp hay chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM)… "Đó là những giải pháp rất tích cực, quyết liệt, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đối với riêng chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Phó Thống đốc cho biết, là nguồn vốn của các NHTM. Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. "Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc lưu ý.
Qua Hội nghị này, Phó Thống đốc mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về quá trình triển khai cũng như đưa ra những khó khăn, vướng mắc từ hai phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Trước đó, tại cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt để thúc đẩy giải ngân là cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung. Trên cơ sở quan hệ cung - cầu mới giảm giá thành cũng như hạn chế các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.
Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank… cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…
"Không phải tất cả Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoặc đang sử dụng vốn tự có" - ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết.
Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…