Nỗ lực các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm và những giải pháp đột phá để thu hút các dự án lớn vào Việt Nam, nhất là những dự án công nghệ cao; đại diện Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Nỗ lực các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sáu tháng cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng thu hút đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng.

Theo Thứ trưởng, có rất nhiều nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả trên. Đầu tiên là sự ổn định chính trị, an ninh và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Thứ hai là kết quả các chuyến ngoại giao cấp cao, mang lại hiệu quả hết sức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài. Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy và đánh giá được các tiềm năng và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Tiếp nối kết quả những tháng cuối năm 2023, hai tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023. Tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư nước ngoài cũng rất cao, khẳng định những cam kết được hiện thực hóa.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Một điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là tỷ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao. Đây là tín hiệu hết sức tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2024 cũng như 2025".

Về giải pháp đột phá để thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư nước ngoài lớn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra các giải pháp. Trước hết là tập trung cải thiện hạ tầng và đất đai - đây là những vấn đề rất được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

"Các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất lớn và yêu cầu hạ tầng cao. Do đó, thời gian tới chúng ta sẽ tập trung hoàn thiện các dự án kết nối hạ tầng; đồng thời triển khai ngay các văn bản hướng dẫn về Luật Đất đai mới" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.

Bên cạnh đó là tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ đã thông qua đề án phấn đấu đào tạo khoảng 100.000 công nhân, người lao động cũng như kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chip bán dẫn, trong đó có 50.000 riêng cho lĩnh vực chip bán dẫn. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong ngành bán dẫn.

"Chúng ta có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng chúng ta cần tập trung nhiều hơn là trình độ, kỹ năng của người lao động. Đây cũng là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ ngành đều phải chung tay để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động Việt Nam" - Thứ trưởng chia sẻ.

Giải pháp tiếp theo là tập trung hoàn thiện công tác thể chế. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Những cơ chế, chính sách mới được ban hành chắc chắc sẽ có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Nỗ lực các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Cũng tại họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Về điều hành tăng tưởng tín dụng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, ngày cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã xác định một mức tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15% năm 2024. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giao hết các chỉ tiêu tín dụng cho từng tổ chức tín dụng vào ngày 31/12 để các tổ chức tín dụng chủ động về tăng trưởng tín dụng. Trong thông báo của Ngân hàng Nhà nước, rất công khai nguyên tắc để phân bổ, giao mức chỉ tiêu tín dụng cho tất cả tổ chức tín dụng được biết và thực hiện.

"Thực tế triển khai đầu năm 2024, qua 2 tháng chúng tôi theo dõi thấy tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm, với thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm" - Phó Thống đốc cho biết.

Về nguyên nhân, Phó Thống đốc nêu lên yếu tố "mùa vụ". "Sau khi chúng ta có tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%. Thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Còn tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước" - Phó Thống đốc lý giải. Năm 2024 còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới chưa khởi sắc, các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.

Về giải pháp, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Ngay đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng.

Sang tháng 2 (ngày 20/2), Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị toàn ngành để đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng mới được ban hành. Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát các văn bản, nghị định hướng dẫn để bảo đảm chỉnh sửa theo nghị định, Luật, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay. Ngân hàng Nhà nước đã và đang có nhiều nỗ lực, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh tín dụng.

Phó Thống đốc chia sẻ: "Chúng ta đã qua 2 tháng của năm 2024, tín dụng tháng 1 có giảm, tháng 2 giảm ít hơn do nhu cầu tín dụng tháng 2 có tăng lên. Như vậy tín dụng tháng sau đã có sự tăng trưởng hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tăng của tháng 3, quý I và các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế".

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.