Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ảnh 1
Tổng Bí thư Tô Lâm với các cử tri. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội và đại biểu cử tri 3 quận.

Nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri

Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri khẳng định, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả và trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước có tính chiến lược lâu dài, làm nền tảng chính trị quan trọng cho công tác vận hành của Chính phủ, hoạt động của các bộ, ngành và địa phương.

Cử tri bày tỏ đồng tình, tin tưởng vào những chủ trương, quyết sách gần đây của Đảng và Nhà nước rất hợp lòng dân và Tổng Bí thư Tô Lâm- người đang truyền niềm tin và cảm hứng mới cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về “Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam”. Cử tri cũng đánh giá cao những chủ trương về phòng, chống lãng phí; tinh gọn bộ máy; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh… Cử tri cho biết, nhân dân luôn đoàn kết, ủng hộ và quyết tâm cao thực hiện những chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ảnh 2
Cử tri quận Hai Bà Trưng phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cử tri đánh giá, kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản pháp luật; thể chế hóa Nghị quyết, đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước; tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để các bộ luật đã được Quốc hội thông qua thực sự đi vào đời sống thực tế, cử tri đề nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.

Về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố và xem xét nhiều nội dung quan trọng khác theo đúng tinh thần Nghị quyết 37 của Trung ương và Kết luận 48 của Bộ Chính trị để sắp xếp đơn vị hành chính nhằm phục vụ cho Đại hội đảng các cấp, cử tri mong muốn, Chính phủ cần sớm có các văn bản, Nghị định, Thông tư liên tịch trước ngày 1/1/2025 để chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan giải quyết công việc cho công dân khi chưa hoàn thành xong các thay đổi trong Căn cước, lý lịch tư pháp…Từ đó, tránh phát sinh những vướng mắc, phiền hà cho công dân. Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp cụ thể, chặt chẽ để quản lý, chuyển giao sử dụng đúng mục đích tài chính, tài sản công, trụ sở làm việc dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, không để xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ảnh 3
Cử tri quận Đống Đa phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Về chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, cử tri cho rằng, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng sớm ban hành trong tháng 12/2024 để các chi bộ làm điểm vào tháng 12/2024 được tổ chức thảo luận tại đại hội chi bộ. Đồng thời, mong muốn Trung ương chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các quy định, quy trình công tác cán bộ của Đại hội Đảng các cấp. Cử tri cũng đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục rườm rà trong các khâu, xây dựng cách thức tương tác mới theo hướng nhanh gọn và trực tiếp giữa Nhà nước với công dân, để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vấn đề môi trường cũng được cử tri thành phố rất quan tâm và đề nghị cần tiếp tục có giải pháp bổ sung để cải thiện như: Thực hiện toàn diện phân loại rác tại nguồn; tăng cường tái chế rác vô cơ; sử dụng rác hữu cơ cho các mục đích nông nghiệp để giảm lượng rác thải hàng ngày phải xử lý. Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu đầu tư phát triển các nhà máy điện rác; biến rác thành tài sản năng lượng phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh; giải quyết nguồn điện thiếu hụt phải nhập khẩu, luôn bị động, không an toàn.

Về vấn đề y tế, hiện nay tình trạng khám chữa bệnh tại các bệnh viện đều quá tải, đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, cử tri đề nghị cần có chế độ đãi ngộ đội ngũ y bác sĩ như đi công tác dài hạn tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời, ưu tiên tuyển dụng y, bác sỹ ở các tỉnh lân cận để tăng cường, xây dựng đội ngũ nòng cốt ban đầu có chất lượng, thu hút bệnh nhân từ tuyến cơ sở.

Nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục phổ thông còn nhiều vấn đề tồn tại, cử tri đề nghị Quốc hội giám sát, thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực thi Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tiếp tục tiến hành quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ảnh 4
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Thực hiện phân công của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chuyển sinh hoạt từ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên về Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và được giới thiệu tham gia sinh hoạt tại đơn vị bầu cử số 1.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của cử tri, phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri; bày tỏ xúc động trước tình cảm và những lời nói tốt đẹp, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân về các đường lối, chủ trương phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước; khẳng định, sẽ cố gắng hết sức mình, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của người Đại biểu nhân dân Thủ đô, để xứng đáng với kỳ vọng mà cử tri tin tưởng.

Chia sẻ một số nội dung mang tính dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong năm 2024, Tổng Bí thư nêu rõ, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh tế -xã hội của năm 2024, tạo tiền đề rất quan trọng để cả nước bứt phá, tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021- 2026, để chúng ta vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng dự kiến được tổ chức vào quý I/2026. Có được những kết quả trên là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, toàn thể cán bộ, đảng viên; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, gần 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã ghi tên nước Việt Nam lên bản đồ thế giới; từ những người nô lệ, đã trở thành chủ nhân thực sự của đất nước. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ảnh 5
Tổng Bí thư Tô Lâm với các cử tri. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 194 nước; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Đời sống của 105 triệu dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Tổng Bí thư lưu ý, không được“ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn; phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, để đời sống người dân ấm no hơn, yên vui hơn, hạnh phúc hơn; phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Di chúc của Bác Hồ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Trả lời nhiều ý kiến của cử tri quan tâm đến phát triển của đất nước, bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã vạch ra một số nhiệm vụ cấp bách như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế để phát triển, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhân dân; tăng cường chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và thống nhất rất cao kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị.

Cùng với đó, tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại một số Ban của Đảng; một số Bộ, một số Ủy ban của Quốc hội, một số tổ chức thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Mục tiêu phấn đấu là các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ hoàn thành trong quý I/2025. Lần này sẽ làm từ trên xuống với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, làm với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”...

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư khẳng định, vẫn tiếp tục tiến hành quyết liệt, triệt để, đặc biệt sau khi Bộ chính trị, Ban Bí thư quyết định đưa thêm nội dung chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác này làm không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là bộ máy của dân, do dân, vì dân; công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của dân.

Ghi nhận, biểu dương những thành tích, thành quả mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đạt được trong năm qua, Tổng Bí thư lưu ý, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm và phải nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ảnh 6
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đại biểu với các cử tri. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Để Hà Nội giữ nét thanh lịch, văn minh, văn hiến từ ngàn xưa để lại, trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội mà đó còn phải là câu trả lời của mọi tầng lớp người dân Hà Nội, thậm chí là mỗi người dân Việt Nam.

Sau bão số 3 vừa qua cho thấy, những khiếm khuyết, điểm yếu cần khắc phục của thành phố bao gồm cả trách nhiệm của chính quyền lẫn trách nhiệm của từng công dân, Tổng Bí thư gợi mở nhiều giải pháp và chỉ rõ những điều đó không thể làm được nếu không có sự chung tay của từng cá nhân, của toàn xã hội, mong người dân góp sức cùng chính quyền thực hiện.

Cũng tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư đã trả lời những quan tâm của cử tri, đồng thời đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan của thành phố ghi nhận toàn bộ ý kiến cử tri, rà soát các nội dung để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và Quốc hội giải quyết.

BTC chương trình với nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm mang đến những kỷ niệm đẹp cho các bạn học sinh Ảnh: BTC.
Điểm nhấn thú vị trong ngày hội tư vấn tuyển sinh Diễn Châu 3 Open Day
(Ngày Nay) - Tiếp nối 14 mùa tổ chức thành công rực rỡ, Diễn Châu 3 Open Day 2025 đã chính thức khởi động trở lại với chủ đề “Dream Catcher”. Với tinh thần nhiệt huyết cùng những giá trị thiết thực, chương trình nhận được sự hưởng ứng và quan tâm đông đảo từ phía học sinh cũng như các bậc phụ huynh.
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
(Ngày Nay) -  Ngày 6/1, Google cho biết công ty con này của Alphabet đang phải đối mặt với khiếu nại thứ hai từ tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động Mỹ.
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.