Dẹp hàng rong, nương tay dự án?
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tòa nhà Artemis do Tổng công ty xây dựng công trình hàng không (ACC) làm chủ đầu tư nằm ngay mặt đường ngã tư Lê Trọng Tấn-Trường Chinh đang ở giai đoạn hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Tuy nhiên, thay vì tạo sự thông thoáng hơn cho người đi bộ và các phương tiện, chủ đầu tư đã ngang nhiên cắm hàng trăm cọc sắt cỡ lớn kéo dài hàng trăm mét vòng quanh toàn bộ vỉa hè bao quanh tòa nhà.
Nhiều người dân sống quanh khu vực dự án bày tỏ bức xúc về tình trạng này. “Tôi không biết dự án được cấp phép ra sao nhưng với hàng rào sắt cao xây dựng kéo dài trên cả tuyến vỉa hè thì thực sự là sự thách thức pháp luật. Chủ đầu tư đã cắm cọc sắt dày và cao đến mức không còn khoảng trống nào để cho xe của người khuyết tật đi qua”, ông Nguyễn Văn Thanh nhà gần dự án cho hay. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND phường Khương Mai cho biết, UBND phường đã phát hiện ra sai phạm của chủ đầu tư trong việc xây dựng hàng rào sắt trên vỉa hè và đang yêu cầu khắc phục tình trạng này. Được biết, hàng trăm cọc sắt cắm trên vỉa hè đã xây dựng cách đây nhiều tháng và đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại…
Ô tô đỗ ngang nhiên trên vỉa hè ngã tư phố Trần Nguyên Hãn - Ngô Quyền. |
Tái lấn chiếm trên nhiều tuyến phố
Hai tháng sau khi ra quân đòi lại vỉa hè, lòng đường, ghi nhận tại các quận nội thành Hà Nội, vỉa hè đã thoáng đãng hơn, nhiều nơi thực sự được trả lại cho người đi bộ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm ở một số nơi. Sáng 9/5, phóng viên Tiền Phong phát hiện hàng loạt xe ô tô đỗ kín trên vỉa hè trụ sở Tổng công ty lương thực miền Bắc tại ngã tư Trần Nguyên Hãn - Ngô Quyền. Trên phố Đinh Lễ, nhiều đoạn xe máy xếp kín trên vỉa hè không còn đường cho người đi bộ.
Ngay đầu phố Lò Sũ giao với đường Đinh Tiên Hoàng, các cửa hàng bán balô, túi xách vẫn ngang nhiên treo hàng hóa lên bức tường trước nhà. Cạnh đó, ngay đầu vòng xoay đài phun nước, hàng loạt ô tô đỗ dưới lòng đường bên cạnh tòa nhà Hàm Cá Mập. Tuyến phố Hàng Ngang – Hàng Đào vẫn có lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát, nhắc nhở các hành vi lấn chiếm vỉa hè, tuy nhiên, dù có biển báo cấm đỗ các phương tiện, nhưng hàng loạt xe máy, xe đạp điện vẫn để trên vỉa hè. Nhiều gánh hàng rong cũng bám lấy vỉa hè buôn bán, thấy lực lượng chức năng có mặt thì tạm thời tránh vào trong ngõ, khi đi qua thì lại bày bán ra vỉa hè, đẩy người đi bộ và du khách xuống đường.
Trên phố Hàng Bạc, nhiều xe ô tô thoải mái đỗ ở lòng đường. Không ít hộ kinh doanh tận dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe, vận chuyển hàng hóa. Khu vực phố Chả Cá – Hàng Cân – Lương Văn Can, một số địa điểm bị người dân lấn chiếm và cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều lần trong 2 tháng ra quân lập lại trật tự lòng đường vỉa hè nhưng nay lại tiếp tục bị lấn chiếm. Đơn cử như một số quán bán trò chơi điện tử đầu phố Chả Cá vẫn treo hàng ra ngoài vỉa hè. Thấy xe của lực lượng chức năng đi qua, các chủ kinh doanh chỉ làm vài “động tác giả” cất đồ đi rồi lại đâu vào đấy. Bên cạnh đó, dọc một số tuyến phố chính như Bà Triệu, Ngô Quyền, Quang Trung... nhiều xe ô tô thoải mái đỗ trên lòng đường, vỉa hè mà không hề bị xử phạt.
Tại một số quận nội thành, phóng viên Tiền Phong cũng ghi nhận tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trên phố Tôn Thất Tùng (Đống Đa), nhiều cửa hàng nước mía, buôn bán ra ngoài phạm vi kẻ vạch trên vỉa hè. Ở trước cửa Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, hàng loạt xe ô tô, xe taxi đỗ ở vỉa hè, lòng đường đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Tình trạng lấn chiếm còn xảy ra tại các tuyến phố Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên, Lê Duẩn...
Sáng 9/5, phóng viên Tiền Phong phát hiện hàng loạt xe ô tô đỗ kín trên vỉa hè trụ sở Tổng công ty lương thực miền Bắc tại ngã tư Trần Nguyên Hãn - Ngô Quyền. Trên phố Đinh Lễ, nhiều đoạn xe máy xếp kín trên vỉa hè không còn đường cho người đi bộ.