Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu việc hỗ trợ phải thực hiện khẩn trương, thiết thực, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng trên tinh thần linh hoạt, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đoàn viên, người lao động sớm nhận được hỗ trợ của tổ chức Công đoàn.
Đối tượng áp dụng là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tổ chức Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động quản lý hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn nhưng đã thực hiện trích nộp kinh phí Công đoàn. Cụ thể, đoàn viên, người lao động được hỗ trợ phải ký hợp đồng lao động trước ngày 1/10/2022, có đủ một trong những điều kiện như: Đang bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ sau ngày 1/10/2022 do doanh nghiệp gặp khó khăn (hỗ trợ 1 triệu đồng/người); bị nợ lương ít nhất 3 tháng do doanh nghiệp khó khăn hoặc chủ bỏ trốn (hỗ trợ 1 triệu đồng/người); đoàn viên, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp gặp khó khăn, người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở không bố trí được tiền thưởng năm, thưởng Tết cho người lao động (hỗ trợ 500.000 đồng/người); bị cắt giảm thời gian làm việc tiêu chuẩn, bị ngừng việc có thu nhập bình quân tháng 10 và tháng 11/2022 dưới mức lương tối thiểu vùng (hỗ trợ 500.000 đồng/người). Tuy nhiên, đoàn viên và người lao động được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hỗ trợ Tết (bằng tiền) theo Kế hoạch 60/KH-LĐLĐ ngày 27/10/2022 sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ này.
Để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; đồng thời, đảm bảo ổn định quan hệ lao động, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền, các cấp Công đoàn khẩn trương chỉ đạo Công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động. Theo đó, các cấp Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng... để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận; xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 theo Điều 104 Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động biết; không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp, bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Cùng với đó, Công đoàn các cấp tổ chức tốt các hoạt động chăm lo Tết cho công nhân lao động; quan tâm, động viên kịp thời những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các cấp Công đoàn kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động từ cơ sở, khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát cần chủ động phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người lao động, không để xảy ra điểm "nóng" về an ninh trật tự.
Nhấn mạnh đến công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh đề nghị các đơn vị nên có thêm những hoạt động sáng tạo, đổi mới tạo nên sự hấp dẫn riêng, không quá phụ thuộc vào những hoạt động mang tính lối mòn truyền thống với chủ trương chi đúng mục đích, đúng đối tượng, có đến đâu, chăm lo đến đó. Vì vậy, các cấp Công đoàn Thủ đô sử dụng tối đa nguồn kinh phí để chăm lo cho đoàn viên, người lao động; ưu tiên dành nguồn hỗ trợ để chăm lo cho những đơn vị nhỏ kể cả đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn, lao động yếu thế để họ thấy được sự ấm áp, quan tâm của tổ chức Công đoàn, từ đó có thay đổi trong nhận thức về vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.