Sau ba năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã có những bước đi ban đầu hiện thực hóa các sáng kiến đã cam kết.
Năm 2022 được coi là sự chuyển động mạnh mẽ khi thành phố tổ chức hàng loạt các hoạt động sáng tạo quy mô lớn, nhằm thúc đẩy phát triển Thành phố Sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực, với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.
Sôi nổi các hoạt động sáng tạo
Từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình, nội dung thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các nội dung liên quan nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành, nhân dân Thủ đô và quốc tế đối với các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới.
Riêng trong năm 2022, Hà Nội triển khai nhiều hoạt động thực hiện các sáng kiến ở cả cấp độ địa phương và quốc tế bao gồm Lễ hội thiết kế sáng tạo 2022; Hội thảo quốc tế “Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo - Kinh nghiệm từ các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong khu vực”; Cuộc thi thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội; Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” (2022-2023).
Trong đó, Lễ hội thiết kế sáng tạo 2022 diễn ra trung tuần tháng 11 với 8 hoạt động trong khuôn khổ như Lễ khai mạc Tuần lễ thiết kế sáng tạo năm 2022; trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo; hoạt động của các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tham gia; hoạt động trải nghiệm, không gian sáng tạo…
Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” sẽ diễn ra trong hai năm 2022-2023, dự kiến thu hút 2.000 sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tham gia.
Các tác phẩm dự thi tập trung vào 13 ngành nghề thiết kế đồ họa, thiết kế nội ngoại thất, thời trang, tạo dáng công nghiệp, gốm, trang sức, sơn mài, điêu khắc…
Cuộc thi tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào sáng tạo ý tưởng mới, cọ sát môi trường thực tiễn và tiếp xúc với các giá trị văn hóa, lịch sử.
Cuộc thi thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội sẽ khai thác, phát huy các công cộng hiện có hoặc chưa sử dụng trong khu vực phố cổ Hà Nội thành các không gian nghệ thuật công cộng.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng sáng tạo có giá trị thẩm mỹ đương đại lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và chất liệu truyền thống; giá trị giáo dục, tương tác cộng đồng và tính ứng dụng cao; có hàm lượng công nghệ mới.
Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: Cuộc thi thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, là cầu nối đưa các ý tưởng và thực hành sáng tạo đến gần hơn với công chúng.
Cuộc thi cũng tìm kiếm các nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo và hình thành các không gian sáng tạo không chỉ cho Hà Nội nói riêng mà còn cho cả nước nói chung.
Khơi dậy khả năng sáng tạo trong giới trẻ
Trong quá trình triển khai các hoạt động sáng tạo, thành phố Hà Nội huy động đông đảo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, khơi dậy nguồn lực sáng tạo ở mọi thành phần.
Khách tham quan sản phẩm sáng tạo trưng bày tại hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô”. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN) |
Bên cạnh cơ quan thường trực là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, còn có sự tham gia của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, UN-habitat Việt Nam (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc), Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tạp chí kiến trúc, Các trường đại học, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Trong hoạt động thiết kế sáng tạo, Hà Nội cũng khơi dậy khả năng sáng tạo ở giới trẻ. Chính vì vậy, một trong những đối tượng hướng tới ở nhiều hoạt động sáng tạo năm 2022 là giới trẻ, trong đó Cuộc thi thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội và Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” là một điển hình.
Việc khuyến khích giới trẻ tham gia hoạt động sáng tạo, Hà Nội mong muốn tìm được những ý tưởng mới, độc đáo trong không gian, thiết kế, sản phẩm sáng tạo, lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng.
Tìm ra những giá trị mới trong các không gian, thiết kế và sản phẩm sản tạo cho Hà Nội sẽ tạo nên động lực phát triển kinh tế của sáng tạo, góp phần hiện thực hóa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Trung tuần tháng 8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức chương trình “Đối thoại liên thế hệ vì mục tiêu phát triển bền vững,” là nơi các bạn thanh niên thể hiện sự sáng tạo của mình, đóng góp vào chương trình hành động Thành phố Sáng tạo của Hà Nội.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, vai trò của thanh niên rất quan trọng cho sự sáng tạo, đổi mới và xây dựng, phát triển xã hội nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện các sáng kiến trong Hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025, trong đó có nhiều chương trình, nội dung, cơ hội để thanh niên có thể tham gia vào chương trình Thành phố Sáng tạo.
“Trong tương lai, chúng tôi mong muốn cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ sẽ tham gia tích cực hơn nữa trong các hoạt động của Thành phố Hà Nội trên cơ sở lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Chúng tôi cũng kêu gọi sự tham gia hợp tác từ các đối tác trong và ngoài nước để cùng nhau đem lại những chương trình có ý nghĩa cho thành phố Hà Nội,” ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Như vậy, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động sáng tạo của Hà Nội đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Nhất là khi Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có các chương trình triển khai hoạt động sáng tạo, thì hoạt động này thêm nhiều cơ hội phát triển, hiện thực hóa cam kết của Thủ đô khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.