Lý giải thông tin này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố không có chủ trương về chặt hạ, thay thế 4.000 cây xà cừ trên địa bàn.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nêu rõ quan điểm của thành phố Hà Nội là khi xây dựng dự án tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước, trong trường hợp bắt buộc phải dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có phát sinh chi phí. Tuy nhiên, với trường hợp không thể dịch chuyển mới thực hiện giải tỏa hoặc chặt hạ.
Riêng với thông tin thực hiện dự án đường Phạm Văn Đồng vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Cầu Thăng Long, phải giải tỏa 1.015 cây các loại gồm xà cừ, bàng, cau vua, trứng cá, xoan, bạch đàn..., Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đây là vấn đề nhạy cảm cần được tính toán kỹ. Vì vậy Sở Xây dựng đã họp lấy ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, các sở, ngành liên quan về việc chặt hạ, dịch chuyển cây.
"Đến thời điểm này, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra," lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin.
Khẳng định thêm về việc Hà Nội không có chủ trương thay thế 4.000 cây xà cừ cũng như cây xanh trên địa bàn, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trong năm tháng đầu năm 2017, thành phố đã trồng thêm 300.000 cây xanh, trong đó có 35.000 cây xanh có đường kính lớn.
Thành phố cắt tỉa 50.000 cây để đảm bảo cảnh quan, an toàn giao thông, phòng chống mưa bão. Hiện thành phố Hà Nội đang tập trung trong trồng mới cây xanh, phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh, đưa tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người lên 10 m2/người (năm 2015 là 7,18 m2/người)./.