Sáng 29/11, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, dự kiến ngày 2/12, Hà Nội sẽ triển khai 3 tuyến xe buýt điện trên địa bàn. Đến năm 2022, thành phố sẽ triển khai thêm 6 tuyến khác, trong đó ưu tiên mở tuyến có lộ trình kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất về triển khai thực hiện mở thí điểm các tuyến buýt điện trên địa bàn thành phố. Động thái này được căn cứ trên báo cáo của Sở GTVT Hà Nội về phương thức thực hiện và lộ trình dự kiến thực hiện trong năm 2021, 2022 đối với các tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm.
Thời gian dự kiến triển khai chương trình thí điểm này bắt đầu từ ngày 2/12.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, Sở GTVT là đơn vị quyết định phương thức thực hiện đặt hàng đối với 9 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm 12 tháng theo thẩm quyền.
Sở này cũng có nhiệm vụ nghiên cứu áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng, đặt hàng cho loại hình xe buýt điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1714/VPCP-CN ngày 17/3/2021; tổ chức triển khai các thủ tục mở mới các tuyến xe buýt điện trong năm 2021, 2022 theo quy trình, quy định.
Theo ông Viện, việc triển khai thí điểm vận hành các tuyến buýt công cộng bằng xe điện sẽ được đề xuất thí điểm trong 12 tháng, với 9 tuyến. Theo lộ trình, trong năm 2021 sẽ có 3 tuyến mở mới trong thời gian tới, cụ thể: tuyến Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; tuyến Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Ocean Park và tuyến Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park.
Vào quý I năm 2022, thành phố tiếp tục mở 2 tuyến khác là Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park và tuyến Giáp Bát - Khu đô thị Ocean Park. Đến quý II năm 2022, tiếp tục triển khai 4 tuyến Long Biên - Cửa Nam - Khu đô thị Smart City; Khu liên cơ Võ Chí Công - Khu đô thị Times City; tuyến Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; tuyến Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên.
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội sẽ có trách nhiệm rà soát, bố trí các vị trí đỗ làm điểm đầu, điểm cuối, đảm bảo đủ điều kiện về mặt bằng, vị trí đỗ trước khi các tuyến buýt đi vào hoạt động.
Về mức giá sử dụng phương tiện xe buýt điện, Sở GTVT Hà Nội đề xuất áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG).
Dự kiến 10 tuyến buýt điện được triển khai tại Hà Nội gồm: Long Biên - Trần Phú - Khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City; Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên; Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội - Khu đô thị Times City; Khu đô thị Ocean Park - Sân bay Nội Bài.
Cơ chế trợ giá cho xe buýt điện áp dụng giống như xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG), giá vé dự kiến sẽ như các tuyến buýt truyền thống, CNG đã được áp dụng trên địa bàn thành phố với mức 7.000 đồng/lượt; với học sinh, sinh viên (đối tượng ưu tiên) giá vé tháng đi 1 tuyến: 55.000 đồng/vé/tháng. Giá vé tháng đi liên tuyến: 100.000 đồng/vé/tháng.
Với đối tượng không ưu tiên, giá vé tháng đi 1 tuyến: 100.000 đồng/vé/tháng; giá vé tháng đi liên tuyến: 200.000 đồng/vé/tháng. Người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được miễn phí sử dụng.