Tại phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội tháng 5 hôm nay, GĐ Sở Công thương Lê Hồng Thăng đã trình bày đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội".
Ông Thăng cho biết, đề án gồm 4 nội dung, trong đó nêu chi tiết về thực trạng hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh, các giải pháp, trách nhiệm và đối tượng thực hiện…
Theo đó, cơ quan quản lý tạm chia các nhóm đối tượng kinh doanh gồm: Nhóm kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại; nhóm kinh doanh tại các chợ đầu mối và các khu chợ dân sinh; nhóm kinh doanh cá thể trên vỉa hè, bán rong ở lòng đường.
Trong đó, nhóm đối tượng thứ 2 và thứ 3 hiện nay đang khó quản lý, đặc biệt là ở phương diện đảm bảo vệ sinh ATTP…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, quy định này rất cần thiết, bước đầu để xác lập loại hình kinh doanh có điều kiện, mục đích để bảo đảm vệ sinh ATTP nói chung, trái cây nói riêng. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần làm rõ đối tượng thực hiện, như ở ngoại thành có một số thị trấn cần đưa vào áp dụng không?
Theo lãnh đạo các quận, hiện nhóm đối tượng quản lý khó nhất là những người bán hàng rong, các hộ kinh doanh cá thể ở vỉa hè. Phần lớn các ý kiến bày tỏ đồng ý với Đề án và cho rằng trước mắt nên siết chặt quản lý và làm thí điểm ở những đối tượng này. Đây là cơ sở để từng bước dẹp hàng rong, kinh doanh vỉa hè
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, sử dụng hoa quả, trái cây là nhu cầu chính đáng, thường xuyên, hàng ngày của người dân Thủ đô. Ngoài ra, Chính phủ giao cho TP Hà Nội và TP.HCM năm 2017 chọn 200 cửa hàng lắp thí điểm tính tiền điện tử; địa điểm bán hàng dứt khoát phải bày bán trong nhà không đưa ra vỉa hè và TP đã chọn loại hình kinh doanh trái cây để triển khai.
Lãnh đạo TP đề nghị Sở Công thương phải đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho các hộ kinh doanh hoa quả như: Cơ sở vật chất, cân đong chính xác; người bán hàng phải có sức khỏe, không mắc các bệnh lây truyền nhiễm; hoa quả phải đề rõ nguồn gốc, thời hạn sử dụng…
Ông cũng lưu ý Sở Công thương khi triển khai đề án cần tổ chức lấy ý kiến, tuyên truyền các hộ kinh doanh và giao thời gian thực hiện. Cụ thể, trong tháng 6, khảo sát trong các quận có bao nhiêu cửa hàng, tổ chức thông báo, lấy ý kiến trong tháng 7 và từ 1/1/2018 áp dụng quy định.
“Quá trình triển khai, phải khuyến khích các cơ sở kinh doanh. Cửa hàng nào xong trước thì hỗ trợ họ, như đưa danh mục cửa hàng lên trang mạng thông tin để người tiêu dùng và khách du lịch tìm đến tiêu thụ”, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet