Ngày 17/2, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) ban hành kế hoạch về việc tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi trên hồ Tây. Theo đó, quận sẽ lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 6 đơn vị không được chấp thuận nhưng vẫn lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn, đóng cọc cố định xuống lòng hồ.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý 4 đơn vị tạm dừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn sử dụng mặt nước để neo đậu phương tiện thủy và lắp đặt các công trình khác; 10 đơn vị ngang nhiên hoạt động trong phạm vi hồ mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Quận Tây Hồ "chốt" thời hạn tháo dỡ trong tháng 2/2017, sau đó nhà chức trách sẽ lắp đặt lan can tại khu vực từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi. Vị trí tập kết toàn bộ các phương tiện thủy nội địa là Đầm Bảy (phường Nhật Tân).
Tại cuộc làm ngày 16/2 ở trụ sở UBND phường Thụy Khuê, đại diện các doanh nghiệp cho biết không phản đối việc di dời, tuy nhiên họ mong muốn có được một khoản hỗ trợ thích đáng từ chính quyền. Lãnh đạo phường Thụy Khuê cho rằng, đây là xử lý vi phạm chứ không phải giải phóng mặt bằng nên sẽ không có chuyện bồi thường.
Trước đó, thành phố Hà Nội yêu cầu UBND quận Tây Hồ trong quý I/2017, chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý hồ Tây.
Quận Tây Hồ hiện có 13 đơn vị kinh doanh, hoạt động tại khu vực hồ Tây. Phương tiện thủy hoạt động trên hồ Tây gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng với: 8 tàu du lịch, một tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm).
Đa số tàu thuyền đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để phục vụ kinh doanh.