UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Nguyên do là Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được thu để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng QL2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt (Sóc Sơn, Hà Nội).
Nhiều năm qua, cử tri của Hà Nội đã bày tỏ sự bức xúc và có ý kiến đề xuất thành phố có kiến nghị lên Bộ GTVT, trình Chính phủ xem xét giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài. Nhiều năm liền, Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT xem xét, di chuyển trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài về đúng vị trí của dự án.
Theo UBND TP Hà Nội, việc di chuyển trạm thu phí này phù hợp với công tác quản lý hạ tầng và tránh ùn tắc giao thông vì Trạm nằm trên tuyến cửa ngõ nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô. Hơn nữa, theo Sở GTVT Hà Nội, trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài hiện được thu phí hoàn vốn cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trong khi các phương tiện không lưu thông qua tuyến đường này nhưng lại phải trả phí để hoàn vốn là không hợp lý.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài hiện do Vietracimex8 thu và quản lý. Trạm thu phí này chính thức bàn giao cho nhà đầu tư thu phí hoàn vốn Dự án từ ngày 1/1/2011. Thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 10 tháng 11 ngày.
Đáng nói, từ ngày 18 đến 22-1-2016, Đoàn kiểm tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài và kết quả cho thấy, hệ thống thu phí một dừng vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục; hệ thống giám sát thu phí không hoạt động, không nhận diện được chủng loại xe, không lưu giữ hình ảnh chụp, dữ liệu video và các thông tin như biển số xe, chủng loại xe, mệnh giá vé; chức năng báo cáo không hoạt động.
Trao đổi về việc trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn tồn tại một cách vô lý, thách thức dư luận, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã 2 lần kiến nghị Chính phủ phương án xử lý với trạm này nhưng đến nay chưa có quyết định chính thức từ Chính phủ nên chưa có hướng xử lý.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 4 trạm thu phí trên các tuyến đường được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý. Bao gồm: Trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thanh Trì); Trạm cao tốc Hà Nội - Lào Cai (Sóc Sơn); Trạm Hà Nội - Bắc Giang (Gia Lâm); và Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Sóc Sơn).
Về mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT, đa số người dân và doanh nghiệp đều phản ánh mức giá hiện nay cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ.
UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT rà soát mức phí dịch vụ trên các dự án BOT để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
Mặt khác, các trạm thu phí hiện đang thu trực tiếp bằng tiền mặt, nhiều thời điểm dẫn đến ùn tắc giao thồng khi qua trạm, ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông; đồng thời dễ dẫn đến thất thoát, thiếu minh bạch, khó kiểm soát, quản lý.
Do đó, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm đầu tư thiết bị để chuyển sang thu phí tự động không dừng tại các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các trục đường giao thông đầu mối quan trọng để khắc phục ùn tắc và nâng cao hiệu quả quản lý.