Hà Nội triển khai ba giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ba giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội hiện nay là: Tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.
Nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên
Nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên

Đã có 270 ca tử vong

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 10/1, toàn Thành phố Hà Nội có tổng số 48.524 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó, số ca đang điều trị tại các bệnh viện gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 131 ca; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 218 ca; tại các bệnh viện của Hà Nội có 3.003 ca; tại các cơ sở thu dung điều trị của thành phố có 1286 ca; tại các cơ sở thu dung quận, huyện có 5.550 ca; số ca theo dõi cách ly tại nhà là 38.685 ca.

Những ngày gần đây, Hà Nội đã ghi nhận các ca tử vong do COVID-19 như: Trong ngày 10/1 có 10 ca; ngày 9/1 có 17 ca; ngày 8/1 có 9 ca; ngày 7/1 là 13 ca… Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 270 ca tử vong do COVID-19.

Về tình hình bệnh nhân nặng, theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 8/1, Hà Nội có 429 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, tăng 16,4% so với trung bình tuần trước đó. Trong số các ca nặng có 380 ca thở oxy qua gọng kính; 9 ca thở máy dòng cao (HFNC), 7 ca thở máy không xâm lấn, 30 ca thở máy xâm lấn, không có trường hợp nào phải can thiệp ECMO.

Đánh giá tình hình dịch của Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho rằng: “Hiện Hà Nội có số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, nhưng cơ bản tỷ lệ tử vong không tăng thì cũng không đáng lo ngại. Quan trọng nhất hiện nay là cần quan tâm tới nhóm nguy cơ chuyển nặng như: Người già, người có bệnh nền, người không được tiêm được vaccine, phụ nữ có thai, trẻ em… Hệ thống y tế cần tập trung vào những người có triệu chứng, bị nặng điều trị tích cực, giảm tử vong”.

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, với việc Hà Nội đã phủ được vaccine, cơ bản chỉ cần chú ý tới số người phải nằm viện; chứ không cần quá chú ý tới con số mắc. Bởi hiện rất nhiều người nhiễm nhưng không triệu chứng, chỉ xét nghiệm mới ra dương tính mà không có biểu hiện bệnh.

Hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Ba giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội hiện nay là: Tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.

Hiện các địa phương của Hà Nội cũng đang khẩn trương triển khai tiêm vaccine tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền; đặc biệt là việc tiếp tục vận động xã hội hóa hỗ trợ bình oxy cho công tác điều trị.

Theo Sở Y tế Hà Nội, Thành phố đang thực hiện công tác điều trị tại các tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chuyển tuyến kịp thời, nỗ lực để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Hà Nội đã yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý để người dân yên tâm, tập trung điều trị các bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế tối đa số bệnh nhân phải chuyển lên tầng trên, điều trị tích cực đối với bệnh nhân tầng 2, tầng 3 để hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Hiện các túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà của Hà Nội bao gồm 3 gói: A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Sở Y tế Hà Nội đã được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các Trung tâm y tế hàng nghìn túi thuốc A; Sở Y tế cũng đã chuẩn bị các túi thuốc C và đã cấp phát 12.000 túi thuốc này về cho các đơn vị để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà đủ điều kiện được cấp.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã có hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Bên cạnh các Trung tâm y tế và trạm y tế, lực lượng Đoàn thanh niên, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành cũng đã cùng tham gia quản lý F0, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Đặc biệt, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành chủ động theo dõi, gọi điện hỗ trợ nhóm F0 có triệu chứng theo phân tầng trên phần mềm theo danh sách. Mạng lưới cũng phối hợp với nhân viên y tế tại các trạm y tế và trạm y tế lưu động để trao đổi, chia sẻ, cảnh báo khi F0 có dấu hiệu tăng nặng; đồng thời nhận điện thoại từ các F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần cho người bệnh... Đồng thời kết hợp với Tổng đài 1022 để nhận thông tin hỗ trợ F0 theo dõi tại nhà trên địa bàn Thành phố…

Theo các chuyên gia, để giảm tỷ lệ tử vong, Hà Nội nên có nhiều đội y tế lưu động, y tế phường, y tế khu phố để sớm phát hiện các ca có dấu hiệu chuyển nặng và đưa lên tuyến trên kịp thời.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).