Thành phố sáng tạo là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Song, theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí để tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Hà Nội có cơ sở hạ tầng văn hóa tốt, nhiều công trình được thừa hưởng từ thời Pháp thuộc mang tầm khu vực; thành phố chú trọng xây dựng hạ tầng văn hóa, có hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam, hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim mới, hiện đại... Tuy nhiên, ngay cả khi có kết quả xét duyệt hồ sơ thì Hà Nội vẫn phải làm rất nhiều việc trong 4-5 năm tới để hoàn thiện các tiêu chí mà UNESCO đưa ra cho một thành phố sáng tạo. Theo đó, Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đặt sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững, với tầm nhìn trở thành thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội phát triển toàn diện.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, hồ sơ được xây dựng trình UNESCO là cơ sở để Hà Nội có cơ hội tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trên toàn thế giới.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo do UNESCO công nhận, ra đời từ năm 2014. Ðến nay, mạng lưới này có sự tham gia của 180 thành phố đến từ 72 quốc gia. Ðặc điểm chung của những thành phố này là việc phát huy các yếu tố như: cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; sức hấp dẫn văn hóa (các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các sự kiện văn hóa); thói quen tiêu dùng văn hóa mới; cơ chế thúc đẩy sự phát triển của mọi tầng lớp lao động, tạo sự thăng hoa cho tầng lớp sáng tạo. Tại khu vực ASEAN, sáu thành phố đã tham gia mạng lưới này đều là những thành phố năng động, có bản sắc văn hóa và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, trong đó có: Chiang Mai, Phuket của Thái lan; Bandung, Pekalongan của Indonesia…
Hồ sơ của Hà Nội được xây dựng trên cơ sở khoa học, tổng hợp các giá trị, kết quả đạt được và hướng tới của thành phố về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, giáo dục... theo đúng hướng dẫn của UNESCO.
Trước đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước.