Hà Nội: Yêu cầu khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu (Hà Nội) hồi tháng 11/2023 có giá trúng lên đến gần 1.700 tỷ đồng, cao gấp 70 lần so với giá khởi điểm, UBND thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành và đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện việc rà soát toàn bộ quy trình đấu giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
3 mỏ cát tại Hà Nội được đấu thành công với mức giá gần 1.700 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)
3 mỏ cát tại Hà Nội được đấu thành công với mức giá gần 1.700 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Sau khi các sở, ngành báo cáo cụ thể về vụ việc này, ngày 4/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký Văn bản số 1328/UBND-TNMT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản 3 mỏ cát trên.

Theo đó, căn cứ kết quả kiểm tra, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố; thực hiện ngay các biện pháp quản lý nhà nước đối với kết quả đấu giá 3 mỏ cát trên sau khi đã kiểm tra, rà soát theo đúng quy định pháp luật; khẩn trương rà soát, thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát nêu trên, báo cáo kết quả trước ngày 12/6/2024.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao Thanh tra thành phố, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an thành phố tiếp tục theo dõi, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ nêu; kịp thời báo cáo UBND thành phố các nội dung khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo kết quả trước ngày 12/6/2024.

Tiếp đó, ngày 20/6/2024, tại Văn bản số 7443/VP-TNMT của Văn phòng UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông đã có ý kiến chỉ đạo "Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện dứt điểm các nhiệm vụ được UBND thành phố giao tại các Văn bản số 1325/UBND-TNMT ngày 4/5/2024, số 6536/VP-TNMT ngày 31/5/2024; báo cáo kết quả trước ngày 2/7/2024.

Tuy nhiên, đến nay, UBND thành phố Hà Nội chưa nhận được báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường về nội dung trên.

Về việc này, ngày 16/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương giải quyết dứt điểm việc thực hiện Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn bản: số 1325/UBND-TNMT ngày 4/5/2024; số 6536/VP-TNMT ngày 31/5/2024, số 7443/VP-TNMT ngày 20/6/2024 của Văn phòng UBND thành phố; yêu cầu đơn vị hoàn thành trong tháng 8/2024.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông giao Thanh tra thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện nội dung nêu trên.

Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ Tư pháp, Cục Bổ trợ Tư pháp để được hướng dẫn thực hiện quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Đồng thời, Sở có văn bản gửi Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội nhằm làm rõ một số nội dung báo cáo thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, do đây là nội dung phức tạp, cần thận trọng và xin ý kiến hỗ trợ, xác minh của các bộ, ngành liên quan nên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ quá trình lựa chọn nhà thầu tham gia tổ chức đấu giá.

Trước đó, ngày 5-6/11/2023, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 3 điểm mỏ cát. Kết quả có 3 đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng, cao gấp 70 lần so với giá khởi điểm.

Trước kết quả trúng đấu giá có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Theo đó, kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra và có Văn bản số 272/UBND-TNMT ngày 25/1/2024 yêu cầu chưa công nhận kết quả trúng đấu giá; giao Thanh tra thành phố tiếp tục theo dõi, rà soát, kiểm tra các nội dung, tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo và báo cáo kết quả Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay khi có kết quả kiểm tra.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài chính, Cục Thuế tham mưu phương án xử lý tiền đặt cọc của các đơn vị theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tư pháp, Công ty đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam thông báo và hướng dẫn 3 đơn vị (Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Việt Sơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư TMDV KSP, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Phúc Lộc Thịnh) thực hiện các nội dung trên.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc đánh giá sâu, rộng tác động của kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 3 mỏ cát nhằm "khắc phục triệt để tình trạng sơ hở để các tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Văn bản số 1328/UBND-TNMT ngày 4/5/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, căn cứ giá vật liệu xây dựng công bố của Sở Xây dựng Hà Nội, giá cát đến chân công trình được xác định theo công thức: Giá cát tại nguồn cung cấp cộng chi phí vận chuyển đến công trình (giá dịch vụ vận chuyển) cộng chi phí bốc xếp, chi phí vận chuyển nội bộ trong công trình, chi phí hao hụt bảo quản tại hiện trường.

Như vậy, giá cát chưa khai thác (trong trường hợp này là giá trúng đấu giá quyền khai thác cát đối với 3 mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu, Châu Sơn, Liên Mạc lần lượt là 180.500 đồng/m3, 564.500 đồng/m3, 800.000 đồng/m3); đối chiếu với giá vật liệu xây dựng cát san lấp và cát xây dựng đến chân công trình tại địa bàn do Sở Xây dựng Hà Nội công bố, cát đổ nền 176.000 đồng/m3 - 202.000 đồng/m3.

Do đó, theo cách hiểu thông thường 1m3 cát chưa khai thác (theo giá trúng đấu giá) đã cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với giá cát đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội; dẫn đến các dự án khai thác cát tại 3 mỏ cát này không thể có lợi nhuận khi các đơn vị thực hiện khai thác với trữ lượng cát sẽ được cấp phép. Khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư sẽ không đạt tiêu chí về lợi nhuận kinh tế, có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

Đặc biệt, theo quy định của Luật Khoáng sản, sau khi được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, đơn vị lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt cấp Giấy phép khai thác khoáng sản sẽ có bất cập khi không đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của 3 đơn vị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đủ điều kiện để tham gia đấu giá do đáp ứng tiêu chí cao hơn 30% tổng vốn đầu tư của các dự án khai thác khoáng sản đã được phê duyệt trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, sau cuộc đấu giá tại 3 mỏ cát trên, vốn chủ sở hữu của 3 đơn vị trúng đấu giá nhỏ hơn 30% giá trúng đấu giá nên sẽ nhỏ hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản mà đơn vị phải lập sau khi trúng đấu giá. Do vậy, không đủ điều kiện cấp phép theo quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản: "Nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản: Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản"./.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?