Dữ liệu từ Ủy ban Giáo dục Quốc hội Hàn Quốc cho thấy kể từ đầu năm đến ngày 5/10, đã có 2.661 sinh viên y khoa của 5 trường đại học quốc gia tại Hàn Quốc xin nghỉ học. 5 trường đó bao gồm Đại học Quốc gia Kangwon, Đại học Quốc gia Kyungpook, Đại học Quốc gia Kyungsang, Đại học Quốc gia Pusan và Đại học Quốc gia Chonnam. Trong số này, 173 sinh viên (6,5%) được phép nghỉ học toàn phần, còn 2.488 sinh viên (93,5%) chỉ được phép nghỉ học tạm thời.
Tính riêng từng trường, số sinh viên xin hoãn học tại Đại học Quốc gia Pusan là 672; Đại học Quốc gia Chonnam là 650 sinh viên, 490 tại Đại học Quốc gia Kyungpook trong khi Đại học Quốc gia Kyungsang và Kangwon lần lượt là 420 và 256 sinh viên. Các trường đều chấp thuận đơn nghỉ phép để thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đơn xin nghỉ ốm.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã chỉ đạo các trường không phê duyệt đơn xin nghỉ học đồng loạt không có lý do chính đáng của sinh viên, đồng thời yêu cầu nhà trường tích cực hướng dẫn, quản lý học tập để sinh viên quay lại lớp học trong thời gian sớm nhất.
Đề cập khả năng điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh đại học ngành Y năm học 2025, cố vấn các vấn đề xã hội thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Jang Sang Yoon cho biết kỳ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển đã bắt đầu, mặc dù có thể thảo luận, nhưng trên thực tế gần như không còn khả năng thay đổi. Nếu không đủ chỉ tiêu sau đợt xét tuyển thẳng, số lượng còn lại sẽ được tuyển chọn thông qua kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm. Việc ban hành các quy định về tuyển sinh đã được thực hiện và thay đổi quy định vào thời điểm hiện tại sẽ gây ra sự hỗn loạn lớn, thậm chí có nguy cơ dẫn đến kiện tụng pháp lý.
Chính phủ Hàn Quốc mong muốn các y bác sĩ tham gia vào đối thoại, thảo luận nhằm tháo gỡ những bế tắc kéo dài liên quan chỉ tiêu tuyển sinh đại học ngành y cho năm học 2026.
Trong nỗ lực cải tổ hệ thống y tế, ngày 2/10 vừa qua, Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai thí điểm dự án chuyển đổi cơ cấu bệnh viện đa khoa tuyến đầu, với nguồn kinh phí 3.300 tỷ won (2,5 tỷ USD). Số tiền này sẽ được dùng để tăng chi phí phẫu thuật cho các ca bệnh nặng, tăng chi phí phòng hồi sức tích cực (ICU), áp dụng chế độ tiền thưởng theo hiệu quả điều trị..., hướng tới xây dựng một hệ thống điều trị bền vững.
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình cải cách y tế, đồng thời kêu gọi giới chức y tế tham gia nỗ lực cải cách y tế giúp bình thường hóa hệ thống y tế của Hàn Quốc đang xáo trộn do làn sóng các bác sĩ và sinh viên y khoa nghỉ việc, nghỉ học tập thể nhiều tháng qua.