Sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng conatiner giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với cùng kỳ khi chưa giãn cách, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Tân cảng Cát Lái (TCCL) tăng cao.
Lượng hàng nhập tồn tăng nhanh, theo lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn, nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động 14, 21 ngày do phong toả hoặc do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm".
Từ trước đến nay, Cảng Cát Lái thường xuyên hoạt động gần tối đa công suất nên nếu hàng hóa chậm luân chuyển, tồn bãi tăng cao thì nguy cơ rất lớn là cảng phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng hàng trên bãi.
Trước tình hình đó, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị UBND TP.HCM đề nghị Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị Tổng cục Hải quan có cơ chế cho phép chuyển hàng nhập khẩu và container tồn trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, giao cho khách hàng và thanh lý tại các cơ sở của Tân cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (TP.HCM), các ICD (cảng nội địa) Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) và ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương).
Cảng Cát Lái (TP HCM) tháng 4/2021. Ảnh: Quỳnh Trần |
Ngoài khó khăn về lượng hàng tồn ở cảng tăng đột biến, cảng Cát Lái còn đang thiếu hụt lao động trầm trọng.
Để duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục cho cảng TCCL, lượng nhân sự cần thiết bắt buộc phải có mặt tại hiện trường để duy trì hoạt động sản xuất trong ngày là khoảng 500 người. Hiện lượng nhân sự làm việc tại các vị trí ngoài hiện trường ở cảng (nhân viên cảng vụ, lái cẩu bãi xe, lái xe nâng...) đã giảm 50% so với trước, chỉ còn 250 người.
Chưa kể,mô hình sản xuất "3 tại chỗ" áp dụng với lực lượng công nhân xếp dỡ tàu tại cảng không hiệu quả do đặc thù hoạt động cảng phân tán nhiều địa điểm ngoài trời, mặt bằng cảng Cát Lái đã gần hết chỗ. Mặt khác, khi tập trung số lượng đông công nhân, người lao động ăn ở sinh hoạt cùng một địa điểm lại làm tăng nguy cơ lây lan dịch.
Lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn đề nghị UBND TP HCM ưu tiên cho lực lượng lao động dây chuyền sản xuất cảng Cát Lái, kể cả người lao động do cảng quản lý ký hợp đồng, công nhân xếp dỡ vệ tinh và các đối tượng khác được hoạt động thường xuyên tại cảng.
Doanh nghiệp này cũng đề nghị thành phố cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất tại cảng, nếu không cư trú tại các khu vực dân cư đang bị phong toả được cấp phép lưu thông đến cảng làm việc. Tân cảng Sài Gòn sẽ phối hợp cùng các cơ quan y tế xét nghiệm sàng lọc theo quy định.
Riêng đối tượng lao động đang cư trú tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đơn vị đề nghị UBND TP.HCM, UBND TP Thủ Đức cho phép lưu thông qua phà Cát Lái để vào cảng làm việc nếu có giấy xác nhận làm việc tại công ty và chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.