Đó là thông tin được Kiểm toán nhà nước công bố chiều 21/7 tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán năm 2015.
Theo ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, kiểm toán nhà nước phát hiện một loạt các sai phạm về mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế.
Qua kiểm toán tại Bộ Y tế, Kiểm toán nhà nước kết luận một số đơn vị sử dụng trang thiết bị y tế kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Cụ thể, một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được như tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên có máy theo dõi trẻ em S510 Colin, máy đo độ tập trung tuyến giáp, máy X Quang tăng sáng Siemens, máy theo dõi nhi khoa; Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương Hà Nội: Nồi hấp tiệt trùng; Bệnh viện Nhiệt đới trung ương: Hệ thống tagMan PCR-Roche, hệ thống máy chụp XQ cao tần, hệ thống XQ kỹ thuật số Konica...; Bệnh viện C Đà Nẵng; Bệnh viện Da liễu trung ương.
Mặt khác, nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng như Trung tâm Y tế dự phòng tại Hải Phòng có 2 thiết bị lò nung, tủ hút an toàn hóa học được dự án ADB thuộc Cục Y tế Dự phòng cấp năm 2011 đến năm 2016 vẫn để trong phòng làm việc, sử dụng làm tủ đựng tài liệu.
Bình Dương có 34 thiết bị của trung tâm Y tế thị xã Bến Cát, Thuận An được cấp từ những năm 2010 mới 100% nhưng đến năm 2015 chưa được sử dụng do không phù hợp hoặc không có nhu cầu.
An Giang có 133 thiết bị tại 9 Trung tâm Y tế chưa đưa vào sử dụng từ nguồn đầu tư mua sắm của dự án xây dựng Trung tâm y tế huyện và dự án do Bộ Y tế cấp phát.
Kon Tum có lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh không hoạt động được do công nghệ lò đốt không đảm bảo các điều kiện về môi trường.
Sở Y tế Đắk Nông có 2 kính hiển vi 2 mắt hiệu Olympus CX22LED nằm trong bộ dụng cụ, thiết bị phục vụ nuôi cấy, soi và phân lập vi khuẩn, 1 máy phân tích sinh hóa tự động 35 thông số hiệu Global 240 có giá mua 850 triệu đồng chưa sử dụng từ khi nhận bàn giao, vẫn để trong kho.
Ông Nguyễn Minh Tân, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 3 thẳng thắn nhận định có tình trạng lãng phí với số tiền khá lớn.
"Kiểm toán chỉ thực hiện 15 bệnh viện, chiếm gần 30% bệnh viện mà Bộ Y tế quản lý. Về tình trạng của việc sử dụng chưa hiệu quả, có 98 thiết bị chưa sử dụng có tổng giá trị là 46 tỉ đồng; 157 thiết bị hỏng chưa kịp thời sửa chữa với tổng giá trị 74 tỉ đồng. 228 thiết bị hỏng không sửa chữa được có giá trị 45 tỉ đồng” - ông Tân dẫn chứng.
Về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, theo ông Tân là do nhiều bệnh viện đầu tư không đồng bộ, không phù hợp với yêu cầu, có bệnh viện được đầu tư thiết bị nhưng không được đầu tư cơ sở vật chất và người vận hành.
Theo Tuổi Trẻ