Hành trình 100 năm phát triển 'Thế giới Disney'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Không quá khi nói rằng thế giới cổ tích với rất nhiều trẻ em trên toàn cầu gắn liền với hai chữ Walt Disney.
Hành trình 100 năm phát triển 'Thế giới Disney'

Sau 100 năm hình thành và phát triển, hãng sản xuất phim hoạt hình dần được biết đến nhiều hơn với tên gọi thân thương là "Thế giới Disney". Trên ti vi, tại các rạp chiếu phim hay đi du lịch, rất dễ để có thể bắt gặp thương hiệu quen thuộc này. Đó là thành quả của quá trình vươn lên từ một gara xe ở kinh đô điện ảnh Hollywood thành một vương quốc văn hóa riêng biệt.

Cũng giống như cách một bộ phim hoạt hình được sáng tạo nhờ quá trình lắp ghép dần các bản vẽ, Tập đoàn giải trí Walt Disney ngày nay cũng bắt đầu từ một xưởng hoạt họa rồi đến những cuốn truyện tranh, phim hoạt hình người đóng, các chương trình phát thanh, các công viên chủ đề, các kênh truyền hình, các kênh thể thao, các chương trình nhạc kịch, trò chơi điện tử và dịch vụ truyền phát trực tuyến (streaming).

Những cột mốc quan trọng hình thành nên thế giới cổ tích Walt Disney bắt đầu từ năm 1923 khi Walter Elias Disney cùng người anh em là Roy bắt đầu một dự án studio chung tại Hollywood trong một gara để xe. Thành công đầu tiên của hãng phim là sự ra đời của nhân vật chuột Mickey. Xuất hiện lần đầu năm 1928 trong phim ngắn "Steamboat Willie", đáng lẽ tên của chú chuột là Mortimer nhưng đã được đổi sang Mickey theo gợi ý của Lilly, vợ Walt Disney. Chú chuột Mickey "hào phóng và tốt tính" dần trở thành người bạn không thể thiếu trong tuổi thơ của trẻ em toàn thế giới.

Phải đến gần 10 năm sau, khi phim hoạt hình màu đầu tiên của Disney là "Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn" ra mắt vào năm 1938, hãng mới có một cú nhảy tiếp theo để vượt qua cái bóng thành công quá lớn của chuột Mickey. Phim đã "bỏ túi" giải Oscar ngay trong mùa trao giải sau đó 1 năm. Năm 1940, Walt Disney phát hành cổ phiếu lần đầu tiên, tạo việc làm cho 1.000 người ở các studio của hãng tại Burbank, California.

Sau những thành công của các nhân vật hoạt hình, công ty mở rộng đầu tư xây dựng các công viên chủ đề. Tháng 7/1955, Disney mở công viên đầu tiên ở Anaheim, California và mở công viên thứ 2 "Magic Kingdom" tại Orlando năm 1971. Các công viên nhanh chóng được nhìn nhận là những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc cách mạng trong ngành du lịch nước Mỹ và được mở rộng ra ngoài nước, đến Tokyo (Nhật Bản) năm 1983 trước khi đến Paris, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

Năm 1966, Walt Disney qua đời ở tuổi 65 nhưng đến nay, ông vẫn là người giữ kỷ lục sở hữu nhiều giải Oscar nhất trong cuộc đời, với 22 lần được vinh danh. Sau khi ông qua đời, người anh em Roy tiếp quản điều hành công ty trong 5 năm.

Năm 1984 đánh dấu chương mới trong quá trình phát triển của hãng phim huyền thoại khi ông Michael Eisner lên điều hành. Trong suốt 21 năm dưới sự dẫn dắt của Eisner, Disney đã chuyển mình mạnh mẽ trở thành công ty giải trí đa quốc gia với mức doanh thu tăng vọt. Tập đoàn Disney đã mua lại kênh truyền hình ABC, kênh thể thao ESPN, hãng phim Miramax và phát triển sang các mảng kinh doanh khác như quần áo, trò chơi điện tử, trò chơi, thu âm và du thuyền. Hãng thậm chí còn có cả đồng tiền riêng "Disney Dollar" lưu hành trong các công viên chủ đề trong suốt 30 năm cho tới năm 2016.

Sau nhiều năm mở rộng hoạt động kinh doanh, đến năm 2006, dưới sự lãnh đạo của CEO Bob Iger, hãng phim Disney quay lại mảng hoạt họa với hợp đồng mua hãng Pixar trị giá 7,4 tỷ USD, tiếp đến là hợp đồng mua Marvel 4 tỷ USD vào năm 2009 và Lucasfilm cùng với loạt phim siêu anh hùng "Star Wars" (Chiến tranh giữa các vì sao) năm 2012 với giá 4,05 tỷ USD.

Bước vào kỷ nguyên streaming, Disney cho ra mắt kênh Disney+ năm 2019, là kênh phát trực tuyến hàng loại phim và chương trình của các Disney, Marvel, Lucasfilm và 21st Century Fox. Sự thành công của Disney+ giúp bù đắp một phần doanh thu bị giảm mạnh từ các công viên chủ đề và rạp phim vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong quá trình phát triển, công ty cũng đã gặp không ít khó khăn với những thăng trầm cùng biến động của thời thế và có lúc phải cho hàng nghìn nhân viên nghỉ việc nhưng với nhiều người, thế giới cổ tích mà Walt Disney tạo ra vẫn luôn là điều đọng lại mãi.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ra đời, Walt Disney đã công chiếu bộ phim ngắn với sự góp mặt của hơn 500 nhân vật từ 85 phim biểu tượng của hãng. Với tiêu đề "Ngày xửa ngày xưa ở Studio...", phim kết hợp nhiều hình ảnh kỹ thuật số với các bản vẽ tay và những phân cảnh người đóng để tôn vinh công trình đồ sộ của studio, với chủ đề đúng như mong mỏi của nhà sáng lập Walt Disney "chúng ta sẽ không bao giờ quên đi một thứ: Vạn sự khởi đầu bằng một chú chuột".

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).