Hành trình gian nan của gánh xiếc giữa đại dịch

(Ngày Nay) - 12 tháng qua là cả một chặng đường gian nan đối với Cirque de Soleil – một trong những gánh xiếc lớn nhất thế giới.
Hành trình gian nan của gánh xiếc giữa đại dịch ảnh 1
"X: Vùng đất huyền ảo" là đặc sản của đoàn Cirque de Soleil tại Hàng Châu. Ảnh: Sixth Tone

Đối với đoàn xiếc Cirque de Soleil, việc duy trì các buổi diễn cho đến hết năm 2020 là một thách thức lớn, đặc biệt là khi một số nghệ sĩ nhào lộn quan trọng nhất của đoàn không thể tới Trung Quốc.

Tháng 8 năm ngoái, Cirque de Soleil đã ra mắt chương trình thường trú đầu tiên ở châu Á trong nhiều năm - một vở diễn hoành trấng mang tên “X: Vùng đất huyền ảo” tại thành phố Hàng Châu, miền đông Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, vở diễn này như báo trước sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho gánh xiếc Cirque de Soleil, vốn sở hữu 40 show diễn trên toàn cầu. Trung Quốc trong những năm gần đây đã trở thành thị trường hết sức màu mỡ cho các đoàn nghệ thuật tạp kỹ, với doanh thu lên tới 20 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ USD) trong năm 2019. Vé bán các vở nhạc kịch đình đám của Broadway như “Mamma Mia!” hay "Cats" luôn được săn đón nồng nhiệt.

Hành trình gian nan của gánh xiếc giữa đại dịch ảnh 2

Với tiềm năng khổng lồ, Cirque de Soleil kỳ vọng Hàng Châu sẽ là căn cứ mới của mình tại châu Á.

Thế nhưng “vật cực tất phản”, đại dịch COVID-19 bất chợt bùng phát.

Không chỉ riêng Trung Quốc mà ngành công nghiệp giải trí toàn cầu đã phải hứng chịu tổn thất to lớn. Đến tháng 3, Cirque de Soleil đã tạm dừng toàn bộ các buổi biểu diễn trên thế giới và sa thải hơn 90% nhân viên. Tham vọng chinh phục thị trường “tỷ dân” của đoàn xiếc Canada có nguy cơ tan thành bong bóng.

Thế nhưng bằng cách nào đó, “X: Vùng đất huyền ảo” vẫn được cấp phép biểu diễn tại Hàng Châu. Cho tới hiện tại, đây là một trong hai tác phẩm duy nhất của Cirque vẫn còn hoạt động trên toàn thế giới.

“Phép màu” này không chỉ nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tình của những khán giả hâm mộ Cirque tại Trung Quốc, mà còn nhờ nỗ lực của dàn nghệ sĩ của đoàn. Với việc các nghệ sĩ chủ chốt mắc kẹt tại nước ngoài, Cirque này phải giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực để giữ cho các buổi diễn được tiếp diễn.

Khi tấm màn buông

Nghệ sĩ nhào lộn He Guowei vẫn còn nhớ cảm giác hồi hộp khi nghe tin ban lãnh đạo đoàn xiếc thông báo tổ chức một cuộc họp khẩn ngay sau đêm diễn hôm 23/1.

Cho đến thời điểm đó, không có dấu hiệu nào cho thấy “X: Vùng đất huyền ảo” gặp phải sự cố. Trong những tháng trước đó, anh đã thực hiện hơn 100 buổi diễn trước tổng số gần 100.000 khán giả. Khán đài công nghệ cao được xây dựng đặc biệt để tổ chức biểu diễn xiếc ở trung tâm thành phố Hàng Châu gần như kín ghế mỗi đêm diễn.

Hơn nữa, “X: Vùng đất huyền ảo” đã được coi như một dự án dài hạn. Cirque đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho một “căn cứ” mới ở Trung Quốc trong nhiều năm, khi mở cuộc đàm phán với đối tác địa phương - tập đoàn bất động sản Hangzhou Xintiandi, về việc hợp tác sản xuất vào đầu năm 2015.

Xintiandi – với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu và quản lý hoạt động của chương trình, sẽ giám sát việc xây dựng một sân khấu đặc biệt. Trên nền một nhà máy cũ, khán phòng hiện đại này có sân khấu dài 100 m và hai khu vực ghế ngồi, mỗi khu vực có khả năng xoay 360 độ.

Hành trình gian nan của gánh xiếc giữa đại dịch ảnh 3

Một nghệ sĩ tập luyện cho vở diễn "X: Vùng đất huyền ảo" tại Hàng Châu. Ảnh: Reuters

Vào năm 2018, He Guowei cùng một nhóm các nghệ sĩ nhào lộn được thuê từ Thiên Tân để chuẩn bị cho X: Vùng đất huyền ảo”. Để chuẩn bị cho vai diễn mới của họ, Cirque đã đưa các nghệ sĩ Trung Quốc đến trụ sở chính ở Montreal, nơi họ trải qua 3 tháng đào tạo.

“Chúng tôi đã học được rất nhiều điều ở đó, từ âm nhạc đến diễn xuất và tính sáng tạo. Chúng tôi có cơ hội cải thiện cảm nhận nghệ thuật của chính bản thân”, He chia sẻ.

Sau khi trở lại, nhóm của He đã tham gia một đội hơn 200 người - khoảng 1/3 trong số đó không phải là người Trung Quốc, để cùng nhau tạo ra chương trình mới trong 8 tháng đầu năm 2019.

“X: Vùng đất huyền ảo” được thiết kế công phu để pha trộn các yếu tố Trung Quốc vào các nét độc đáo của Cirque de Soleil. Màn trình diễn kéo dài 75 phút kể lại câu chuyện của hai anh hùng cố gắng mang lại hòa bình cho đất nước của mình, xen kẽ với các cảnh chiến đấu là các tiết mục đu dây và hòa tấu opera.

Hóa trang thành một nhân vật "chiến binh bóng tối", He vẫn luôn nổi da gà khi nhớ lại cảm giác phấn khích vào đêm diễn mở màn khi bước ra khỏi tấm màn trước 1.500 khán giả.

“Tôi từng xem hàng nghìn vở diễn của Cirque de Soleil trước đó, thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đứng trên sân khấu của họ”, nghệ sĩ 32 tuổi nhớ lại đêm diễn đầu tiên. “Tôi đã làm quen với xiếc từ năm 12 tuổi, và được biểu diễn cho Cirque khiến tôi tưởng mình đang nằm mơ giữa ban ngày”.

Nhưng vào tối 23/1, He và các đồng nghiệp của mình nhận ra giấc mơ của mình đang bị đe dọa.

Đạo diễn cho biết chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đối với các buổi biểu diễn trực tiếp để hạn chế sự lây lan của một loại dịch bệnh mới xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vài tuần trước đó.

Toàn bộ chương trình biểu diễn của Cirque đã bị đình chỉ vô thời hạn, ít nhất là tới giữa tháng 2. Trên toàn Trung Quốc, lệnh cấm này đã khiến hơn 20.000 chương trình biểu diễn trực tiếp bị hoãn hoặc hủy trong 3 tháng đầu năm.

He nhớ lại cảm giác choáng váng sau cuộc họp. Đó là một ngày trước đêm Giao thừa. Khi đó, He đang cách quê nhà Thiên Tân của mình 1.200 km, trong đầu anh hoàn toàn trống rỗng.

“Chúng tôi thấp thỏm và sợ hãi,” nghệ sĩ xiếc nói. “Chúng tôi không biết dịch bệnh đó là gì và bao giờ nó mới kết thúc”.

Trong 2 tháng tiếp theo, He bị mắc kẹt trong căn hộ của mình cùng với hai đồng nghiệp khác. Họ chỉ ra ngoài mỗi tuần một lần để mua thức ăn.

Dù không biết khi nào “vùng đất huyền ảo” quay trở lại, nhưng họ vẫn cần duy trì chế độ luyện tập thể chất cường độ cao. Trong một phân cảnh, He được yêu cầu nằm ở dưới cùng của một tòa tháp người khổng lồ, đỡ 4 đồng nghiệp khác bằng đôi chân của mình.

“Xiếc không giống như những công việc khác, khi bạn nghỉ ngơi, bạn có thể hoàn toàn thư giãn ở nhà và không phải làm gì cả. Chúng tôi vẫn phải duy trì vóc dáng ở nhà, nhưng chúng tôi không biết mình sẽ gồng mình được bao lâu”, He nói.

Hành trình gian nan của gánh xiếc giữa đại dịch ảnh 4

Các nghệ sĩ xiếc vẫn phải duy trì tập luyện trong nhiều tháng dù không biết khi nào được trở lại sân khấu. Ảnh: Reuters

Không thể tới các phòng tập, những nghệ sĩ nhào lộn phải sáng tạo. Trong trường hợp không có tạ, họ nâng chính các đồng nghiệp của mình.

Trong phòng khách, He cùng đồng nghiệp tái hiện một phiên bản thu nhỏ của tháp người. Những buổi tập huấn này phải được thực hiện vào buổi sáng, nếu không hàng xóm sẽ phàn nàn về tiếng ồn.

Trong khi đó, các nghệ sĩ nước ngoài của Cirque de Soleil hiện không thể quay trở lại Hàng Châu.

Mathieu Chouinard – một nghệ sĩ người Canada, ban đầu cho rằng COVID-19 chỉ như một loại cúm mùa thông thường. Thế nhưng vào tháng 2, Chouinard quyết định bay sang Thái Lan để tránh dịch khi tình hình tại Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng.

Chỉ đến tháng 3 - khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng ra toàn cầu và ban lãnh đạo Cirque de Soleil đã thông báo về việc cắt giảm nhân sự, Chouinard mới nhận thức được rằng vở diễn “X: Vùng đất huyền thoại” có nguy cơ phải đóng cửa.

“Khi dịch bệnh vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, tôi không dám chắc mình có thể quay trở lại sân khấu trong tháng tới hay không. Cảm giác như thế giới trước đó đã không còn, ngành biểu diễn nghệ thuật cũng vậy”, Chouinard hồi tưởng.

Vẫn không chắc liệu Cirque có còn hoạt động tại Hàng Châu không, tuy nhiên khi nhận ra Trung Quốc đang kiểm soát được dịch bệnh, Chouinard nhanh chóng đáp máy bay trở lại vào tháng 3. May mắn  thay, chỉ hai tuần sau chính phủ Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập cảnh người nước ngoài.

Ngày trở lại

Đến tháng 4, cuộc sống ở một số thành phố của Trung Quốc dường như trở lại bình thường, mặc dù đeo khẩu trang khi ra ngoài là quy định bắt buộc. Các quán bar cũng như câu lạc bộ đêm lại một lần nữa nhộn nhịp.

Tuy nhiên, các chương trình sân khấu như Cirque vẫn chưa được phép mở cửa.

Xia Xiaoyu - Tổng giám đốc của Xintiandi, đã phải mất nhiều tuần lễ để thuyết phục chính quyền Hàng Châu cho phép “X: Vùng đất huyền ảo” được phép hoạt động trở lại.

Theo Xia, các quan chức địa phương cũng rất ủng hộ vỡ diễn này bởi nó có thể là đòn bẩy thu hút du khách quay trở lại Hàng Châu. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng phải chờ ý kiến từ chính phủ trung ương.

Vào ngày 12/5, các buổi diễn nghệ thuật cuối cùng cũng được “bật đèn xanh” cho  phép trở lại, nhưng phải tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn cho khán giả.

Hành trình gian nan của gánh xiếc giữa đại dịch ảnh 5

Vở diễn "X: Vùng đất huyền ảo" chính thức trở lại sau 130 ngày tạm đóng cửa do dịch bệnh.

Tất cả nhân viên của đoàn phải đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ khi đến sân khấu. Toàn bộ khán phòng phải được khử trùng hai lần mỗi ngày và hệ thống thông gió được sửa đổi. Ngoài ra, rạp xiếc chỉ được bán 50% số vé để đảm bảo giữ khoảng cách an toàn.

Những quy định mới cũng gây ảnh hưởng tới nội dung của chương trình, khi các tiết mục giao lưu giữa khán giả và nghệ sĩ sẽ bị cắt bỏ. Nghiêm trọng hơn, 22 trong số 28 nghệ sĩ người nước ngoài – nhiều người là các chuyên gia nhào lộn, vẫn chưa thể quay trở lại Hàng Châu.

“Bất chấp mọi thách thức, chúng tôi vẫn phải chuẩn bị cho một nhiệm vụ khó khăn đó là sẵn sàng cho buổi công chiếu trở lại vào ngày 3/6 trong khi khoảng 50% nội dung của chương trình cần được dàn dựng lại”, He Guowei nói.

Nhưng những người vất vả nhất lại là đội ngũ kỹ thuật, những người phải điều chỉnh âm nhạc, đồ họa, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh để phù hợp với nội dung mới.

“Họ vừa phải tự sáng tạo, lại phải liên tục tham vấn ý kiến của ban lãnh đạo đoàn từ Canada. Đó là một khối lượng công việc to lớn, nhưng không một ai tỏ ra nản chí”, theo Mathieu Chouinard.

Cuối cùng, sau 130 ngày sau ngừng hoạt động, “X: Vùng đất huyền ảo” đã được mở màn với khán giả là đội ngũ nhân viên y tế - những người từng phải chiến đấu với dịch bệnh suốt nhiều tháng trời.

Đối với He, ngày trở lại cũng đem tới cảm xúc y như ngày đầu tiên, sau những tháng ngày nỗ lực và tập luyện mà không có đạo cụ hoặc đồng nghiệp bên cạnh.

“Tôi cảm thấy phấn khích và thực sự xúc động khi những nỗ lực của mình trong 2 tháng qua không hề uổng phí”, nghệ sĩ nhào lộn chia sẻ.

Tương lai bất định

Kể từ ngày 8/7, Cirque de Soleil biểu diễn 21 chương trình mỗi tháng. Tuy nhiên, chương trình vẫn chịu áp lực tài chính lớn.

“X: Vùng đất huyền ảo” được cho là ngốn một khoản chi phí rất lớn trong mỗi đêm diễn. Tổng giám đốc Xia Xiaoyu khẳng định số tiền để sản xuất vở diễn cao hơn 50% so với các chương trình nghệ thuật khác tại Trung Quốc.

Từ tháng 2 đến tháng 6, công ty Xintiandi tiếp tục trả lương cho nhân viên, tiền thuê địa điểm, chi phí bảo trì thiết bị dù không kiếm về đồng nào.

Trong khi đó, công ty Trung Quốc vẫn phải trả cho Cirque một khoản phí cấp phép hàng năm cho vở diễn. Nguồn tiền dồi dào của Xintiandi có thể giúp bù lỗ cho chương trình trong năm nay, nhưng việc giới hạn chỉ 50% lượng vé bán ra khiến chương trình không thể có lãi.

“Ngay cả khi quy định này được dỡ bỏ, chúng tôi sẽ vẫn khó có thể quay trở lại như trước dịch bệnh bởi những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc. Hàng Châu từng là điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước, thế nhưng lượng du khách trong năm nay đã suy giảm rất nhiều”, Xia Xiaoyu nói.

Khó khăn cũng đổ dồn lên Cirque de Soleil. Cuối tháng 6, đoàn xiếc này chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Hiện Cirque đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ cung cấp 900 triệu USD để xóa nợ và 375 triệu USD tiền tài trợ mới.

Vì thuộc sở hữu của Xintiandi, "X: Vùng đất huyền ảo" đã không nằm trong danh sách bị thu hồi về tay chủ mới của Cirque de Soleil. Chương trình gần đây đã kỷ niệm một năm thành lập bằng một lễ hội xiếc ngoài trời ở Hàng Châu.

Hành trình gian nan của gánh xiếc giữa đại dịch ảnh 6

Sân khấu được thiết kế riêng của Cirque de Soleil tại Hàng Châu. 

Nhưng Xia nói rằng công ty của cô vẫn cần tìm những nguồn thu mới như cho thuê lại sân khấu hoặc cắt gọt nội dung để có thể biểu diễn tại nhiều địa điểm khác.

Tuy nhiên, về lâu dài, khả năng tồn tại của “vùng đất huyền ảo” sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mathieu Chouinard cho biết mình vẫn lạc quan. Đối với Chouinard, không gì có thể thay thế được sự kỳ diệu của các tiết mục xiếc, do đó các khán đài sẽ dần được lấp kín.

“Ngành nghệ thuật biểu diễn sẽ phải thích ứng, và những loại hình chương trình lớn cũng sẽ phải thích ứng với trạng thái bình thường mới. Nhưng chưa khi nào đời sống văn hóa của nhân loại thiếu mất sân khấu, chúng tôi sẽ tìm cách trở lại”, người nghệ sĩ khẳng định.

Theo Sixth Tone
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.