Hình ảnh nhận diện ngoại thất chiếc Boeing B727 có nửa thân dưới và phần đuôi được sơn màu đỏ, nửa thân trên màu trắng với dòng chữ Air Dream. Đây là loại máy bay hành khách dân sự có 3 máy phản lực đuôi đầu tiên trên thế giới, chở được tối đa 134 hành khách. Sau 10 năm “phơi sương, phơi nắng”, hiện bên ngoài máy bay đã bị bạc màu, phủ rêu.
Việc khảo sát bên trong máy bay của tổ công tác diễn ra khá thuận lợi, cửa máy bay được mở ra - đóng vào không có gì phức tạp và hoạt động theo cách thông thường của các máy bay còn khai thác.
Bên trong chiếc máy bay có 1 lối đi, 6 hàng ghế vẫn còn phủ lớp ga trắng sạch sẽ. Dưới sàn máy bay, lớp thảm màu nâu vàng vẫn còn nguyên. Tại một số ít vị trí ghế ngồi, mặt nạ dưỡng khí bị bung ra.
Trong buồng lái của phi công, các tài liệu kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ như tài liệu hướng dẫn bay, đèn pin dành cho phi công vẫn còn nguyên trạng.
Chiếc Boeing B727 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia. Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007.
Bên trong chiếc Boeing 727-200 bị "bỏ rơi" từ năm 2007 ở sân bay Nội Bài |
Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã có phản hồi bằng thông báo khẳng định giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý chiếc máy bay Boeing 727 theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Hồi đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý. Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Việc quản lý số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản sau khi trừ chi phí liên quan (nếu có) được nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí, Bộ Giao thông vận tải đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định.
Trước đó, đánh giá về tình trạng của máy bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã hết khả năng bay và không thể khôi phục. Chuyên gia kinh tế hàng không thì nhìn nhận, sau 10 năm phơi sương phơi nắng ở sân bay Nội Bài thì hiện máy bay này chỉ có giá trị như... sắt vụn.
Theo Dân Trí