Trước đó từ tối 30/7 đến sáng nay, 9 ngôi nhà ở tổ 26 phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) sụp xuống sông Đà. 10 nhà khác bị sập một nửa; 9 nhà bị rạn nứt to có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tổng cộng 35 nhà phải di dời.
Vụ 9 ngôi nhà đổ xuống sông Đà cùng 26 nhà khác cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng được cho là đợt sạt lở quy mô nhất từ trước đến nay ở ven sông Đà, đoạn qua thành phố.
Liên quan đến vụ sạt lở này, ông Nguyễn Thanh Huy – Chủ tịch UBND TP.Hòa Bình cho biết, nguyên nhân ban đầu xác định các ngôi nhà bị nứt, đổ, trôi xuống sông Đà là do mưa lũ, xói mòn đất chứ không phải do “cát tặc” hay thủy điện xả lũ.
Mưa lớn kéo dài
Mưa lớn khiến địa chất nhiều khu vực ở Hòa Bình đã bão hòa nước, nguy cơ sạt lở rất cao. Hòa Bình đã trải qua hai đợt mưa lớn. Đợt một trung tuần tháng 6 với lượng mưa một số điểm 500-600 mm. Đợt hai mưa do ảnh hưởng của bão Sơn Tinh và hoàn lưu sau bão, tổng lượng cả đợt tới trên 1.000 mm.
Địa thế sông xói lở
Do nằm ở bờ lõm đoạn sông uốn khúc, nơi dòng nước mạnh nhất xoáy vào, nên phường Đồng Tiến bị xói lở. Bờ sông lại được tạo thành bởi cát và sét pha, khi ngấm nước sẽ mềm và trượt lở.
Đồng thời do kết cấu nền đất ven sông Đà từ Hòa Bình xuống Việt Trì hầu hết do cát, phù sa bồi, độ ổn định không cao, từ trước đến nay nhiều đoạn bị xói lở. Giải pháp làm kè cứng khó khả thi vì cần dựa trên nền địa chất vững chắc.
Được cảnh báo trước, địa phương chưa quyết liệt di dời
Người dân ở phường Đồng Tiến di dời khẩn cấp trong đêm do nhà sập xuống sông Đà. (Ảnh: Báo Hòa Bình) |
Từ năm 2017, UBND tỉnh và UBND TP.Hòa Bình đã có kế hoạch di dời các hộ dân ở tổ 25, 26 phường Đồng Tiến đến nơi an toàn bởi những hộ bị sạt lở này đều đã có dấu hiệu sụt lún từ trước. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, cộng với một số hộ dân muốn bám trụ nên chưa thực hiện được.
Được biết, những ngôi nhà bị sạt lở này thuộc tổ dân phố 25-26 dài 20-30m, nằm chênh vênh trên bờ sông. Việc xây nhà sát sông, theo các chuyên gia, cũng góp phần làm mất ổn định bờ sông, dẫn đến dễ bị sạt, thay đổi chế độ thủy lực, giảm lượng bùn cát.
Đổ nhà xuống sông Đà, không phải do “cát tặc”
Trước những ý kiến của một số người cho rằng "cát tặc" hút cát dưới dòng sông là nguyên nhân khiến những ngôi nhà bị nứt trong thời gian này, ông Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP.Hòa Bình phủ nhận và chia sẻ rằng: “Không có chuyện ai hút cát".
Cũng không phải do “thủy điện xả nước”
Liên quan đến vụ sạt lở nhà ở phường Đồng Tiến, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai khẳng định, thủy điện Hòa Bình xả nước không phải là "thủ phạm" khiến hàng chục ngôi nhà sạt lở.
"Thủy điện không xả ào ào mà đóng hoặc mở từ từ, vì vậy lưu lượng nước xuống hạ du tăng và rút đột ngột là không có", ông Sơn giải thích.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai. (Ảnh: Trà My) |
Trước đó, thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả đáy và đóng tất cả các cửa xả vào 10h ngày 30/7. Mực nước trên các sông đang xuống dần, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh.
Do dải hội tụ nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía bắc và tiếp tục suy yếu, trong ngày và đêm nay ở các tỉnh trung du và vùng núi Bắc Bộ còn có mưa, mưa vừa, riêng khu Đông Bắc và Việt Bắc có nơi mưa to và dông, cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh.
Tổng hợp