Australia trước đó chưa xác nhận El Nino xuất hiện dù phải đương đầu với thời tiết khô và nóng bao trùm Nam Bán cầu trong mùa Xuân và Hè 2023. Thời tiết khô có thể ảnh hưởng tới sản lượng lúa mì ở Australia, một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, khi vụ thu hoạch Đông sẽ bắt đầu vào tháng 11 tới.
Chuyên gia dự báo thời tiết Karl Braganza từ Cục Khí tượng Australia (BoM) khẳng định El Nino đã hình thành trên Thái Bình Dương, trùng với một đợt sóng nhiệt bất thường vào mùa Xuân đang thiêu đốt miền Đông Australia. Chuyên gia này nêu rõ nhiều vùng ở châu Đại Dương đã hứng chịu những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các đợt nắng nóng kéo dài. Giai đoạn thời tiết khô và nóng kéo dài tới đầu mùa Xuân.
Theo chuyên gia Braganza, hiện tượng này sẽ tiếp tục làm các đại dương trên thế giới ấm lên sau khi ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục kể từ tháng 4. Mùa Hè năm nay sẽ nóng hơn bình thường và chắc chắn sẽ nóng hơn so với 3 năm trước đây. Sau mùa Hè "rực lửa" 2019-2020 với hàng loạt vụ cháy rừng phá hủy một vùng có diện tích tương đương Thổ Nhĩ Kỳ và khiến 33 người thiệt mạng, Australia đã trải qua mùa Hè 2021 và 2022 nhẹ nhàng hơn.
Trước đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo 90% khả năng El Nino xuất hiện trong nửa cuối của năm 2023. Trung tâm Dự báo khí hậu của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng El Nino xuất hiện từ tháng 6. Tuy nhiên, BoM sử dụng các phương thức đo lường khác, ít chặt chẽ hơn. Để xác nhận sự xuất hiện của El Nino, BoM thường liên hệ những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng, bão lốc và hạn hán.
Thông báo của BoM xác nhận El Nino được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương ở Australia đang trải qua đợt nắng nóng bất thường trong mùa Xuân, dự báo kéo dài 5 ngày. Một số vùng đã nâng cảnh báo nguy cơ cháy rừng lên mức cao trong khi giới chức cảnh báo gió lớn có thể làm cháy rừng lan rộng và kêu gọi người dân giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn tại nhà. Đến sáng 19/9, hơn 500 lính cứu hỏa và nhân viên khẩn cấp đang vật lộn với 61 đám cháy ở bang New South Wales, trong đó có 13 đám cháy chưa được khống chế. Khoảng 20 trường học ở bang này, chủ yếu ở phía Nam, phải đóng cửa vì lo ngại ảnh hưởng. Nguy cơ hỏa hoạn ở vùng duyên hải phía Nam được nâng lên mức "thảm họa" do gió mạnh hơn dự kiến.
Đại diện Sở cứu hỏa vùng nông thôn bang New South Wales, Rob Rogers, cho biết đây là mức nguy cơ cao nhất mà cơ quan này từng kích hoạt kể từ mùa cháy rừng 2019-2020. Theo BoM, thành phố Sydney có thể 5 ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ tối đa lên hơn 30 độ C trong tháng 9, giới chức Sydney phải ban hành lệnh cấm lửa trên toàn thành phố. Nhiệt độ tại Sydney có thể lên đến 34 độ C trong ngày 19/9, tức là chỉ thấp hơn không đáng kể so với mức nhiệt kỷ lục 34,6 độ C từng ghi nhận năm 1965. Từ ngày 21/9, một đợt không khí mát mẻ sẽ xuất hiện giúp giảm nhiệt độ xuống khoảng 20 độ C./.