Các nhà quản lý, chuyên gia du lịch đã trao đổi về vai trò, tác động, đóng góp và sự ảnh hưởng của ngành du lịch với địa phương và đời sống nhân dân.
Người dân huyện Đông Anh được hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp, ứng xử văn minh du lịch và quy tắc ứng xử nơi công cộng; hướng dẫn kỹ năng xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch tại địa phương mình. Các chuyên gia cũng trao đổi về phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch; phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; du lịch cộng đồng bền vững và những bài học kinh nghiệm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Để du lịch phát triển cần có sự chung tay cùng làm du lịch của cộng đồng.
Người dân cần nắm tâm lý, nhu cầu, văn hóa của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài để có cách ứng xử, phục vụ phù hợp; học cách ứng xử thân thiện bằng những cử chỉ, lời nói, nụ cười... làm hài lòng khách. Ngoài ra, vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ cũng cần bảo đảm để tạo sự thoải mái cho du khách.
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, Đông Anh là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời, mang nét đặc trưng của nền văn minh sông Hồng, với 124 di tích cấp quốc gia và cấp thành phố, các di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, múa rối, lễ hội...
Bên cạnh đó, huyện còn có các sản phẩm làng nghề truyền thống đặc sắc, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đa dạng. Đây là những tiềm năng rất lớn để khai thác tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch.
Về du lịch làng nghề, tại huyện Đông Anh có làng nghề chạm khắc gỗ Vân Hà với bề dày truyền thống từ hàng trăm năm. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề gỗ Vân Hà vẫn được giữ gìn và phát triển, ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với chất lượng cao và mẫu mã đa dạng.
Hiện nay, Vân Hà có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao rất thuận lợi cho phát triển du lịch làng nghề truyền thống. Vân Hà là một trong 3 xã được tập trung đầu tư phát triển trục động lực của huyện Đông Anh trong lộ trình xây dựng huyện thành quận. Giai đoạn 2025 – 2030, Đông Anh phấn đấu trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề của Hà Nội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong những năm gần đây, việc khai thác, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống, di sản, văn hóa lịch sử, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn để phục vụ phát triển du lịch ngày càng được coi trọng, biến văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn thành tài sản, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần tạo sự phát triển bền vững cho địa phương; qua đó, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.