Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel, đã gửi thư mời các thành viên và nhấn mạnh cuộc thảo luận sẽ tập trung vào một loạt vấn đề cấp bách, bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình Trung Đông, cũng như các thách thức về kinh tế và di cư.
Ukraine sẽ là chủ đề chính của cuộc họp lần này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ trình bày kế hoạch chấm dứt xung đột của Ukraine trước các lãnh đạo EU. Các nước châu Âu cũng sẽ thảo luận về sáng kiến hòa bình, được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế. Chủ tịch Charles Michel kỳ vọng các quốc gia thành viên sẽ cùng nhau tìm giải pháp thống nhất, nhằm xây dựng một lộ trình hòa bình và tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
EU cam kết sẽ cung cấp khoảng 45 tỷ euro (50 tỷ USD) vào cuối năm 2024 để hỗ trợ các nhu cầu quân sự, ngân sách và tái thiết cho Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần và hơn một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bị phá hủy, Hội đồng châu Âu sẽ tập trung đánh giá những nỗ lực hỗ trợ đã thực hiện, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp ứng phó trong thời gian tới.
Cuộc họp cũng sẽ dành thời gian thảo luận về tình hình tại Trung Đông, đặc biệt sau vụ tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10/2023. Tình hình đang trở nên nghiêm trọng khi các cuộc giao tranh và vấn đề nhân đạo tại Gaza và Liban trở nên tồi tệ hơn. Hội đồng châu Âu sẽ kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, ưu tiên giải quyết vấn đề con tin và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, Hội đồng châu Âu sẽ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với LHQ và kêu gọi bảo vệ an toàn cho các nhân viên của tổ chức này, cũng như những người làm công tác nhân đạo. Những cuộc tấn công gần đây nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Lebanon bị lên án mạnh mẽ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn xung đột leo thang.
Vấn đề kinh tế cũng là trọng tâm của cuộc họp, với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu kinh tế của EU. Các lãnh đạo sẽ thảo luận về việc thực hiện một thỏa thuận cạnh tranh đầy tham vọng đã được định hình từ hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4.
Chủ đề nhập cư sẽ đóng vai trò then chốt trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này. Khi các quốc gia thành viên EU đang dần điều chỉnh chính sách di cư, nhiều lãnh đạo đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn, phản ánh bối cảnh chính trị hiện nay ở châu Âu. Trong một lá thư gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất tăng cường hồi hương người tị nạn và mở các trung tâm kiểm soát tại các nước thứ ba. Đây là bước đi nhằm đáp ứng yêu cầu từ 15 quốc gia thành viên, mong muốn chuyển người xin tị nạn đến các quốc gia thứ ba an toàn.
Thêm vào đó, 17 quốc gia thành viên đã yêu cầu tăng tốc trục xuất những người bị từ chối đơn xin tị nạn. Ở nhiều quốc gia châu Âu, các nhà lãnh đạo đang gia tăng các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát nhập cư. Tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau đề xuất "từng bước chính thức hóa" đối với những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp. Tại Ba Lan, Thủ tướng Donald Tusk cũng đề xuất tạm thời đình chỉ một phần quyền tị nạn để đối phó với tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Chính phủ Đức đã áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới, trong khi Hà Lan yêu cầu miễn trừ một số quy định về tị nạn của châu Âu.
Trước đây, các quốc gia có lập trường cứng rắn về di cư như Hungary và Italy thường bị cô lập. Nhưng hiện nay, xu hướng chung trong EU đang dần nghiêng về hướng siết chặt chính sách di cư. Những động thái này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của nhiều quốc gia thành viên, khi họ tìm cách ứng phó với áp lực di cư ngày càng tăng.
Hội nghị thượng đỉnh này sẽ là một phép thử quan trọng đối với sự đoàn kết của EU. Các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm ra một giải pháp cân bằng giữa việc bảo vệ biên giới và đảm bảo tuân thủ các giá trị nhân đạo, đồng thời hợp tác hiệu quả hơn trong vấn đề di cư, cũng như xác định các biện pháp nhằm duy trì an ninh và ổn định cho khu vực.