Trao đổi với Zing.vn, ông Cao Xuân Hoạt, Trưởng ban quản lý di tích đền Trần (Nam Định), cho biết năm nay ấn sẽ được phát sớm hơn 30 phút, từ 5h ngày 11/2 (tức 15 tháng Giêng).
"Số lượng người qua đêm ở trong đền rất đông, nếu giờ phát ấn vẫn như mọi năm sẽ áp lực cho ban tổ chức. Năm nay ngày phát ấn vào thứ 7, dự kiến lượng khách tham gia rất đông nên chúng tôi thống nhất làm sớm để hạn chế quá tải và tranh cướp nhau", ông Hoạt nói.
Muốn việc phát ấn diễn ra sớm hơn nữa song Trưởng ban quản lý di tích đền Trần cho rằng điều kiện hiện không cho phép vì thành viên ban tổ chức và nhân viên trước đó đã làm việc xuyên đêm. Tới 5h các nhân viên thay ca mới có thể phục vụ tốt du khách. Ban tổ chức dự đoán đón từ 700.000-800.000 du khách tới lễ hội, tương đương năm 2016.
“Ấn in số lượng lớn, chúng tôi đảm bảo ai cầu xin ấn đến với lễ hội đều sẽ có ấn mang về”, ông Hoạt khẳng định.
Theo vị Trưởng ban quản lý di tích đền Trần, lễ hội được tổ chức từ ngày 7/2 đến 12/2 (tức từ 11 đến 16 tháng Giêng). Lễ khai ấn diễn ra đêm 14 tháng Giêng. Ấn sẽ được phát ở khu vực nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày và đền Trùng Hoa.
"Từ 23h55, đền Trần được mở cửa để người dân và du khách vào lễ đầu năm. Lễ hội cũng có những hoạt động truyền thống như thi đấu cờ người, múa rồng, hát chèo, chầu văn… Năm nay, hơn 1.000 cảnh sát được huy động tham gia bảo vệ lễ khai ấn", ông Hoạt thông tin.
Ban tổ chức cũng lập đội liên ngành để rà soát đưa người ăn xin về trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc.
Về giá vé gửi xe, các hộ kinh doanh phải đăng ký với ban tổ chức, cam kết thu đúng giá quy định. Nếu du khách phản ánh về tình trạng “chặt chém”, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm.
Tại lễ hội đền Trần năm 2016, dù ban tổ đã phòng ngừa những tình huống không đẹp nhưng người tham dự đêm khai ấn vẫn trèo rào, nhảy vào trong cướp lộc. Nhiều người còn lên cả ban thờ để thắp hương, chạm vào đồ thờ lấy may. Thậm chí, ban thờ phía ngoài sân đền Thiên Trường bị người dân cướp tan hoang.