Cục hàng không vừa báo cáo Bộ Giao thông việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), với định hướng đáp ứng sản lượng 43-45 triệu khách mỗi năm, có 80-85 vị trí đỗ máy bay so với 50 vị trí hiện nay.
Dự kiến, tổng mức đầu tư để thực hiện quy hoạch là hơn 19.300 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn như vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp và vốn vay…
Quy hoạch được điều chỉnh theo hướng giữ nguyên 2 đường băng hiện hữu cách nhau 365 m, bổ sung thêm một đường lăn song song và 2 đường lăn thoát nhanh.
Bên cạnh hệ thống nhà ga hành khách hiện nay với công suất khoảng 28 triệu người mỗi năm, quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4 được thiết kế cho 15 triệu khách
Về phương án huy động vốn, Cục hàng không đề nghị Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư và tự ứng vốn, thu xếp suất đầu tư đối với hệ thống đường cất, hạ cánh và đường lăn; vốn sẽ được hoàn từ ngân sách.
Cục hàng không cũng đề nghị cho phép sử dụng dự phòng ngân sách trung ương giai đoạn 2017-2019 để Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng hạ tầng cho các đơn vị phải di chuyển, đóng quân tại sân bay Biên Hòa, tạm bàn giao đất quốc phòng ở khu vực Tân Sơn Nhất cho hàng không dân dụng.
Để giải tỏa và kết nối giao thông ngoài sân bay, Cục Hàng không đề nghị quy hoạch đường trục từ công viên Hoàng Văn Thụ vào Tân Sơn Nhất; bổ sung cầu vượt chữ Y nối đường Trường Sơn vào ga hành khách và tuyến đường trên cao từ nhà ga quốc nội đi ra. Cùng với đó, cải tạo mở rộng đường 18E, đường Hoàng Hoa Thám và đường C2 nối từ đường Cộng Hoà vào khu vực nhà ga hành khách mới…
Báo cáo của Cục hàng không dựa trên phương án quy hoạch do Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) đề xuất, đã nhiều lần được lãnh đạo Chính phủ họp bàn.
Phương án này chỉ phải giải phóng mặt bằng 24,52 ha đất quân sự để xây dựng nhà ga, không cần giải toả đất dân sự.
Vừa qua, đơn vị tư vấn thuộc Bộ Quốc phòngđã trình bày 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, phương án 3 được cho là phù hợp nhất, có nội dung xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh 25L/07R và 25L/07L; xây dựng nhà ga T3 và T4 mỗi nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm; xây dựng khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc.
Phương án này sẽ nâng tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm trong khi chỉ phải giải phóng mặt bằng 24,52 hécta đất quân sự để xây dựng nhà ga, không cần giải toả đất dân sự. Tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 19.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng hoàn thành trong 2-3 năm.