Manabu Miyata, giảng viên nhãn khoa tại Đại học Kyoto, thành viên của nhóm nghiên cứu này, cho biết: “Lác mắt hóa ra là một chứng rối loạn phổ biến ở người Nhật”. Trong nghiên cứu toàn quốc đầu tiên về tật lệch mắt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em và người già là nhóm có tỷ lệ cao bị tình trạng này.
Người lác mắt, bị suy giảm nhận thức về chiều sâu và có thể nhìn thấy hai hình ảnh chồng lên nhau cùng một lúc, gây cản trở cuộc sống hàng ngày. Nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin này từ cơ sở dữ liệu của chính phủ về các báo cáo hóa đơn bảo hiểm y tế từ hầu hết người dân trên toàn quốc.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát những bệnh nhân trong khoảng thời gian từ tháng 4/2009 đến tháng 9/2020. Kết quả cho thấy 2,71 triệu người, tương đương 2,2% tổng dân số Nhật Bản, mắc một số dạng của bệnh lác mắt.
Nhóm trẻ em từ 10 đến 14 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất với tỷ lệ 7,7% mắc bệnh. Lác mắt được phát hiện thường xuyên hơn ở những bệnh nhân từ 24 tuổi trở xuống. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50 được chứng minh là thấp hơn một nửa mức trung bình chung. Điều này có thể là do tình trạng của họ đã được phát hiện khi khám sức khỏe tại trường học hoặc nơi khác và đã được điều trị.
Các trường hợp lác mắt lại gia tăng đáng kể ở những người trong độ tuổi 60. Tỷ lệ mắc bệnh ở những người trên 75 tuổi vượt quá mức trung bình của mọi thế hệ. Tỷ lệ này tăng lên 2,8% ở nhóm tuổi 80-84. Xu hướng này có thể là do sự lỏng lẻo của mô hỗ trợ nhãn cầu do tuổi tác.
Chuyên gia Miyata nêu rõ: “Tật lác mắt đôi khi đi kèm với mỏi mắt hoặc đau đầu, mặc dù hiện tại vẫn chưa rõ lý do tại sao điều này xảy ra. Từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích bộ gene để xác định nguyên nhân và hy vọng sẽ phát triển các phương pháp điều trị mới”.
Phát hiện kể trên đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành American Journal of Ophthalmology (Mỹ).