Hồn dân gian trong hình hài Rối nước

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 1

Tìm về làng Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội) vào một chiều cuối tháng Tư, tiếng hát Chèo "Trống cơm" vẳng ra từ thủy đình ở nhà văn hóa. Bước qua cánh cửa gỗ, tôi tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Thỏa - người phụ nữ đã dành hơn 30 năm gắn bó với nghề Múa Rối nước đang say sưa điều khiển chú Tễu. Trong căn phòng ngập tràn những con rối cổ, nữ nghệ nhân chậm rãi nâng một con rối gỗ lên, bàn tay vuốt theo từng đường nét trên thân rối. Bà kể: “Cái làm nên hồn cốt của Múa Rối nước, trước hết phải nói đến âm nhạc dân gian: Chèo, Xẩm, Quan họ. Mỗi làn điệu góp “một vai” trong vở diễn, âm thanh không đơn thuần là nền nhạc, mà chính là những “người kể chuyện” thực thụ. Chèo gợi đời sống dân dã, Xẩm đưa khán giả đến những lớp kịch tính, còn Quan họ thì lại nhẹ nhàng dìu dặt trong những cảnh tình tự”.

Tôi được dẫn ra thuỷ đình – nơi đoàn múa rối đang chỉnh dây, điểm trống chuẩn bị cho buổi diễn. Chỉ tay về phía những con rối đang lướt đi trên mặt nước, bà chậm rãi giải thích: “Âm nhạc trong Rối nước bao giờ cũng theo nguyên tắc "nhất thanh, nhị hình". Trống cái sẽ luôn đánh trước một nhịp để dẫn đường cho con rối. Tễu bước ra thì sáo phải vi vu đón chào. Còn đến những cảnh đông người, ồn ã, không thể thiếu tiếng thanh la vang vọng như xô dạt cả mặt nước”.

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 2

Các nghệ nhân khéo léo điều khiển con rối trên mặt nước. (Ảnh: Diệu Tâm)

Các tiết mục Múa Rối nước kết hợp cùng dàn nhạc mang âm hưởng dân gian (Nguồn: Diệu Tâm)

Sự kết hợp giữa các loại hình âm nhạc này không phải là sự kết hợp ngẫu nhiên mà là lựa chọn có chủ đích, thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa dân gian qua các tích truyện. Mỗi làn điệu vừa là phần nền nhạc, vừa để người xem thấy được thế giới của những hình ảnh, những câu chuyện, nơi mà con rối không chỉ là những khối gỗ vô tri, mà là những sinh vật sống động, mang theo những câu chuyện sâu sắc của người Việt xưa và nay.

Bà cũng nhấn mạnh: “Múa Rối nước cần âm nhạc để mỗi con rối không chỉ là hình ảnh, mà là một nhân vật sống động, kể lại những câu chuyện dân gian. Nhờ âm nhạc dân gian, Múa Rối nước không chỉ giữ được sức sống mà còn truyền tải được những giá trị văn hóa lâu đời, làm cho mỗi buổi diễn thêm phần đặc sắc và ý nghĩa”.

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 3

Nhưng để con rối thực sự có "hồn", thì đâu chỉ cần âm nhạc cất lên. Cái dáng hình, màu sắc, từng nét đục khắc là thứ giúp nhân vật hiện lên sống động trên mặt nước. Mỹ thuật tưởng như chỉ là lớp vỏ ngoài, lại chính là yếu tố góp phần làm nên thần thái riêng cho mỗi vai diễn trên sân khấu Rối nước.

Nghệ nhân kể, để tạo được một con rối hoàn chỉnh, người làm phải am hiểu cả hình thể, văn hóa dân gian lẫn đặc trưng sân khấu thủy đình. “Phải làm sao để từ xa, khán giả vẫn nhìn rõ từng biểu cảm, từng động tác mà vẫn giữ được cái chất mộc mạc, gần gũi của làng quê”, bà Thỏa nói, bàn tay lật nhẹ chiếc mũ quan trên đầu con rối, lộ ra từng nét sơn đã sờn cũ.

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 4

Biểu cảm trên gương mặt rối cau lại đầy tập trung, như đang dồn hết tâm sức vào từng nhịp đàn. (Ảnh: Diệu Tâm)

Với bà, sự kết hợp giữa âm nhạc và mỹ thuật hài hòa sẽ “thổi hồn” cho con rối. “Âm nhạc dẫn đường cho cảm xúc, còn hình hài con rối giúp người ta nhận diện và ghi nhớ," bà chia sẻ.

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 5

Mỗi buổi diễn Rối nước là một cuộc “giao duyên” giữa các yếu tố dân gian: có tiếng ru của mẹ, có lời trào phúng của chú Tễu, có cả sắc màu của những phiên chợ quê, lễ hội làng. Đó là lý do Rối nước, dù qua bao thế kỷ, vẫn đủ sức níu người xem dừng chân và lắng nghe bằng mắt, bằng tai và cả bằng lòng.

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 6
Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 7

Để tìm câu trả lời, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Phi – người đã có hơn mười năm gắn bó với nghề chế tác Rối nước ở làng Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội). Trong căn xưởng nhỏ thơm mùi gỗ, ông Phi nhẹ nhàng cầm lên một khúc sung đang được đẽo dở, vừa làm vừa kể: “Gỗ sung được sử dụng để làm con rối. Bởi vì nó mềm, nhẹ, dễ chạm khắc lại ít cong vênh khi gặp nước. Mình làm rối mà rối không bền, không giữ được màu thì chỉ sau vài buổi diễn là hỏng mất”.

Nguồn gỗ thường được nghệ nhân tuyển chọn kỹ lưỡng từ các làng ven sông, nơi cây sung mọc nhiều quanh ao. Sau khi chặt về, từng khúc gỗ phải được phơi khô từ 3–6 tháng, sau đó đưa vào hấp, xử lý chống mối mọt rồi mới bắt đầu quá trình tạo hình. “Gỗ phải là loại sung bánh tẻ, không non quá dễ mục, cũng không già quá sẽ nứt. Thớ gỗ mịn thì khi chạm khắc hoa văn mới đều, mới "ăn" sơn”, ông Phi cẩn trọng giải thích. Khi gỗ đã sẵn sàng, nghệ nhân mới bước vào công đoạn tạo hình một phần công việc mang nhiều cảm hứng sáng tạo nhất. Ý tưởng chủ yếu lấy từ kho tàng truyện cổ tích, truyền thuyết, những mẩu đời dân gian. Nhân vật trong rối nước có thể là chú Tễu tinh nghịch, là Thạch Sanh quả cảm, cô gái chèo đò dịu dàng hay ông lão câu cá thong dong bên hồ, tất cả đều đại diện cho một hình tượng văn hóa, một tính cách người Việt. Mỗi con rối là một “gương mặt có hồn”, là kết tinh của quan sát, thấu cảm và bàn tay thủ công tỉ mỉ. “Tôi từng mất nguyên tuần chỉ để tạc lại đôi mắt cho một chú Tễu. Vì mắt mà không lé, không lém lỉnh thì còn đâu nét nghịch ngợm?”, ông Phi cười, vừa nói vừa mài lại những đường nét cho chiếc mũ cánh chuồn của một nhân vật đang hoàn thiện.

Quá trình đục gỗ để khắc họa hình dáng rối (Nguồn. Diệu Tâm)

Có những câu chuyện nhỏ nhưng đầy thú vị xoay quanh việc làm rối. “Có lần tôi tạc một con rối bà già, nhưng ai nhìn cũng tưởng… ông lão. Cứ phải chỉnh sửa tóc, khuôn miệng đến ba lượt mới ra đúng "chất bà". Làm rối khó nhất là chạm được cái hồn tính cách, chứ không chỉ đơn thuần là khuôn mặt”, ông kể. Những chi tiết tưởng nhỏ ấy lại góp phần làm nên sức sống cho sân khấu Rối nước.

Bằng sự kết hợp hài hòa với các yếu tố dân gian, Múa Rối nước không chỉ “kể chuyện làng quê” bằng âm nhạc, tiếng đàn, lời ca mà còn thể hiện qua từng con rối. Mỗi tác phẩm nhỏ không chỉ phản ánh hình ảnh làng quê mà còn chứa đựng cả tâm huyết của những người nghệ nhân ngày đêm miệt mài gìn giữ những giá trị truyền thống đã ăn sâu tâm thức.

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 8

Theo thống kê từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có hơn 17 nhà hát Múa Rối nước chuyên nghiệp, với hàng nghìn con rối cổ, mỗi con rối lại mang một giá trị văn hóa riêng biệt. Các chương trình biểu diễn Múa Rối nước ngày nay không chỉ tái hiện những câu chuyện cổ tích, huyền thoại. Nội dung còn mở rộng phản ánh các vấn đề đương đại như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đề cao giá trị nhân văn.

Trong quá trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật Múa Rối nước, không thể không kể đến vai trò của các nghệ nhân. Họ vừa là người biểu diễn, vừa là người sáng tạo và truyền lửa cho thế hệ kế cận. Chính các nghệ nhân là cầu nối để nghệ thuật rối nước không chỉ được bảo tồn, mà còn chuyển mình mạnh mẽ, len lỏi vào đời sống hiện đại mà vẫn giữ được cái hồn mộc mạc, dân dã của cha ông.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thỏa chia sẻ: “Rối nước là di sản mà các cụ đi trước đã dày công xây dựng, tôi luôn tự nhủ phải gìn giữ bằng mọi giá,” bà khẳng định. Dù đã gần 60 tuổi, bên cạnh công việc đồng áng, bà vẫn miệt mài tham gia công tác tuyên truyền, vận động các nghệ nhân và bà con phường Đào Thục tiếp tục giữ nghề, phát huy những giá trị tinh thần mà tổ tiên truyền lại.

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 9

Bà Nguyễn Thị Thỏa (ngoài cùng bên phải) cùng các nghệ nhân hướng dẫn du khách thực hành Múa Rối nước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Không chỉ biểu diễn, bà còn giữ lửa nghề bằng cách truyền dạy cho thế hệ trẻ. “Thời gian rảnh, tôi đều tranh thủ dạy miễn phí cho các bạn trẻ trong làng, để khơi lên cái "máu" nghề từ sớm,” bà kể. “Với các em nhỏ, tôi dạy hát trước. Khi câu hát dần thấm, tôi kể cho các em nghe ý nghĩa của từng tích trò, để các em hiểu được cái hay, cái sáng tạo mà ông cha ta gửi gắm qua từng con rối. Còn với các bạn lớn hơn, tôi hướng dẫn cách điều khiển từng động tác, từng nhịp nước. Cứ thế, người đi trước dắt tay người đi sau, giữ lấy cái hồn làng, giữ lấy nghề”.

Cùng với sự nỗ lực của các nghệ nhân, những chương trình như "Đưa di sản vào trường học" cũng góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa giá trị văn hóa. Thông qua các buổi biểu diễn và workshop chế tác rối mini, hàng nghìn học sinh đã có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm và sáng tạo nghề. Những hoạt động này không chỉ giúp các em hiểu sâu hơn về di sản dân tộc, khơi gợi niềm yêu thích mà còn là yếu tố thiết yếu để bảo tồn một loại hình nghệ thuật truyền thống.

Hồn dân gian trong hình hài Rối nước ảnh 10

Các em bé hào hứng khi xem buổi biểu diễn múa rối nước tại làng Đào Thục (Ảnh: Diệu Tâm)

Những năm gần đây, nghệ thuật Múa Rối Việt Nam không ngừng được quảng bá thông qua các liên hoan trong nước và quốc tế. Đây không chỉ là dịp giao lưu, học hỏi mà còn là cơ hội để giới thiệu loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đến với bạn bè thế giới.

Từ sân chơi này, nhiều thử nghiệm sáng tạo đã được triển khai. Một trong số đó là việc đưa diễn viên từ sau phông màn ra sân khấu, kết hợp biểu cảm hình thể cùng chuyển động của rối để mang đến những tiết mục sống động, gần gũi hơn với khán giả. Điển hình là màn kết hợp Múa Rối với ba-lê trong trích đoạn “Hồ Thiên Nga” tại Nhà hát Múa rối Thăng Long. Sự giao thoa giữa văn hóa phương Tây và truyền thống Việt Nam đang mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật rối nước.

Theo NSƯT Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, Múa Rối nước là “một phần hồn cốt văn hóa dân tộc”, và việc làm mới không đồng nghĩa với phá vỡ truyền thống, mà là cách để di sản tiếp tục sống trong đời sống đương đại. “Chúng tôi không thay đổi tinh thần của Múa Rối nước, mà đưa nó đến gần hơn với khán giả trẻ bằng ánh sáng, âm thanh, và cả câu chuyện mang hơi thở cuộc sống hôm nay,” ông Dũng nói.

Thiết kế: Bảo Long

TIN LIÊN QUAN
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Tháng 1/2025, phát biểu tại lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ IX, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra dấu mốc đặc biệt “năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng đồng hành cùng sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Xử lý tài sản công dôi dư và quan tâm tới công tác cán bộ, nguồn nhân lực
Xử lý tài sản công dôi dư và quan tâm tới công tác cán bộ, nguồn nhân lực
(Ngày Nay) - hiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, cùng với các vấn đề về công tác cán bộ và nguồn nhân lực trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính.