Để chuẩn bị cho các tiết mục biểu diễn múa rối nước tại Lễ hội đền Trần, các nghệ nhân phường múa rối nước Sông Quê, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực đã phải có mặt ở đền Trần trước đó nhiều ngày để chuẩn bị sân khấu, lắp đặt thủy đình. Các tích trò ca ngợi truyền thống chống xâm lược của dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo cùng các nghi thức tín ngưỡng như: Cô đôi thượng ngàn, kéo cá dâng hoa, lễ Phật… sẽ lần lượt được biểu diễn phục vụ du khách.
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, chủ phường múa rối nước Sông Quê cho biết, năm nào cũng vậy, đoàn múa rối nước rất vinh dự được Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử, văn hóa đền Trần - Chùa Tháp mời đến biểu diễn để phục vụ người dân và du khách thập phương. Cùng các tiết mục múa rối nước thông thường, đoàn sẽ chú trọng đến các vở diễn như Lê Lợi khởi nghĩa, kéo cá dâng hoa vì các tiết mục này có tích tượng trưng cho vương triều nhà Trần khởi nghiệp từ sông nước.
Theo nghệ nhân Phan Văn Mạnh, những năm gần đây, ngoài biểu diễn ở các lễ hội làng, đoàn thường xuyên được mời đến biểu diễn ở các lễ hội lớn như Lễ hội đền Trần, các lễ hội ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội... Đoàn còn được mời biểu diễn ở các nước Pháp, Thụy Điển... để phục vụ khán giả. Việc được mời đi biểu diễn tại các sự kiện lớn góp phần bảo tồn, quảng bá nghệ thuật múa rối nước truyền thống của dân tộc.
Các tiết mục biểu diễn múa rối nước tại Lễ hội đền Trần thường nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người dân và du khách. Nhiều người sau khi đi lễ xong đã dành thời gian để xem hết các tiết mục biểu diễn. Những tiếng vỗ tay tán thưởng sau mỗi tiết mục vang lên ở hai bên hồ đền Trần là "liều thuốc" cổ vũ tinh thần đối với các nghệ nhân biểu diễn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo đang có nguy cơ bị mai một này.
Bà Nguyễn Thị Chinh, xã Nam Phong, thành phố Nam Định cho biết, bà rất thích xem các tiết mục biểu diễn múa rối nước. Các vở diễn gợi lại rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ như các trò chơi dân gian truyền thống hay các hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày xưa. Vì vậy, năm nào đi Lễ hội đền Trần, bà và người thân cũng ở lại để xem các tiết mục múa rối.
Hầu hết các phường múa rối nước biểu diễn tại Lễ hội đền Trần đều đến từ làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, đây được xem là nơi có nghệ thuật múa rối nước lâu đời nhất tại Nam Định. Các phường rối nước của làng hiện có gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Bên cạnh các tích được truyền lại từ xa xưa, các nghệ nhân còn nghiên cứu, dàn dựng nhiều tích trò mới cho phù hợp với thị hiếu khán giả, tăng thêm sức hấp dẫn cho rối nước.
Nghệ nhân Phan Văn Phó, người theo nghề múa rối nước lâu đời tại làng Rạch chia sẻ, các nghệ nhân trong làng đã sáng tạo được một số tác phẩm mới liên quan đến đời sống đương đại như: phần âm nhạc sử dụng làn điệu chèo cổ và tự sáng tác lời; hay con rối cũng được làm cách tân. Trước đây, các nghệ nhân phải ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ để điều khiển con rối, giờ đây với sự cách điệu về sân khấu và thiết kế con rối, nghệ nhân có thể ngồi trên sàn và cùng lúc điều khiển đến 5 con rối.
Địa bàn tỉnh Nam Định hiện có bốn phường rối nước (một phường ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng và ba phường ở làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực). Để bảo tồn nghệ thuật múa rối nước truyền thống trước nguy cơ mai một, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tạo điều kiện thuận lợi, cấp phép biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật múa rối nước của tỉnh, luân phiên các mùa lễ hội, các đoàn đều được mời đi tham gia biểu diễn.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử, văn hóa đền Trần - Chùa Tháp cho biết, múa rối nước là một hoạt động mang tính truyền thống của quê hương Nam Định. Tại Lễ hội đền Trần, nhiều gánh rối tham gia biểu diễn phục vụ du khách. Thông qua con rối, lời ca tiếng hát, các tiết mục diễn tả lại các tích xưa, chuyện xưa làm sống lại một loại hình nghệ thuật truyền thống, qua đó góp phần vào công tác giáo dục văn hóa, giáo dục lịch sử cho người dân, đặc biệt cho các em thiếu niên.
Theo nghệ nhân Phan Văn Mạnh, chủ phường múa rối nước Sông Quê, làng Rạch có gần 1.000 dân nhưng chỉ có khoảng 40 người biết múa rối. Những nghệ nhân trụ cột của phường rối hầu hết tuổi đã cao, nếu không đào tạo được người kế cận, phường rối và những tích trò rối cổ có nguy cơ bị mai một. Do đó, ngoài việc tổ chức liên hoan, hội diễn múa rối nước ở các lễ hội, cũng cần có nhiều biện pháp thu hút, đào tạo lớp trẻ đến với môn nghệ thuật này.