Trong báo cáo Theo dõi độ bao phủ y tế toàn cầu năm 2023 vừa được công bố, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về tình trạng trì trệ trên phạm vi toàn cầu trong mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, hợp lý và dễ tiếp cận.
Văn bản được công bố trước thềm Phiên họp cấp cao về Bao phủ y tế toàn dân tại Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng cho thấy trong vòng 2 thập kỷ qua, chỉ chưa tới một phần ba số quốc gia trên thế giới cải thiện được mức độ bao phủ của hệ thống chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí dịch vụ y tế đối với người dân. Ngoài ra, phần lớn các nước có dữ liệu thống kê trong cả 2 lĩnh vực là bao phủ y tế và bảo hộ tài chính (96 trên 138 quốc gia được thống kê) đều không cải thiện được các chỉ số quan trọng này.
Để thay đổi thực trạng này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn, các khoản đầu tư mạnh bạo hơn và những thay đổi bước ngoặt để cải thiện các hệ thống y tế quốc gia dựa trên công tác chăm sóc sức khỏe sơ cấp.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triên con người của Ngân hàng thế giới Mamba Murthi, khẳng định “đạt được mức độ bao phủ y tế toàn dân là bước đi căn bản để giúp người dân thoát nghèo bền vững, nhưng hiện tại các khó khăn về kinh tế vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là đối với khối người nghèo và dễ bị tổn thương”.
Báo cáo chung của hai cơ quan đa phương này nhận định mặng dù các dịch vụ y tế trên bình diện toàn cầu ghi nhận những bước tiến từ đầu thế kỷ, nhưng đà cải thiện này chậm lại từ năm 2015, khi Liên hợp quốc thông qua Các Mục tiêu Phát triển bền vững, và đặc biệt đã ngừng trệ trong giai đoạn 2019-2021, nhất là các dịch vụ về các bệnh truyền nhiễm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.
Tới năm 2021, vẫn còn 4,5 tỷ người, tức hơn nửa dân số thế giới, vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu, trong khi hoàn thành mức độ bao phủ y tế toàn dân vào năm 2030 là mục tiêu then chốt trong Nghị trình Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.