Cụ thể, trong thông báo bằng video, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết lực lượng quân đội nước này đã thực hiện các cuộc tấn công trên bộ và dưới lòng đất, nơi mà phong trào Hamas xây dựng các đường hầm quân sự, trong đếm 27/10. Ông Gallant nêu rõ chiến dịch sẽ tiếp diễn cho tới khi có mệnh lệnh mới.
Trong khi đó, Cơ quan Y tế Dải Gaza thông báo các cuộc tấn công của Israel đã khiến 7.703 người tại dải đất này thiệt mạng, trong đó có trên 3.500 trẻ em. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk ngày 28/10 cảnh báo những hậu quả thảm kịch của chiến dịch quy mô lớn trên bộ tại Gaza, lo ngại sẽ có thêm hàng nghìn người dân thiệt mạng.
Cũng trong ngày 28/10, Bộ Ngoại giao Malaysia ra thông cáo báo chí nêu rõ Malaysia cùng với một loạt nước Đông Nam Á ủng hộ yêu cầu của Nhóm các nước Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) về việc nối lại Phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 10 (ESS) của Đại hội đồng LHQ tại New York vào ngày 26/10 vừa qua.
Trong Phiên họp ESS lần thứ 10 được nối lại, Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 27/10 đã thông qua nghị quyết với tên gọi “Bảo vệ dân thường và đề cao pháp luật và nghĩa vụ nhân đạo”. Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững nhận được 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Do đó, kết quả này là thông điệp chính trị rõ ràng, đúng đắn và vững chắc của cộng đồng quốc tế, vốn yêu cầu phải hành động khẩn cấp đối với tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza.
Malaysia đã bỏ phiếu ủng hộ và đồng tài trợ cho nghị quyết này, phù hợp với mục tiêu của nước này với lập trường vững chắc và lâu dài để hỗ trợ mọi nỗ lực quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp công bằng, giải quyết lâu dài, toàn diện và hòa bình cho tình hình ở Palestine. Malaysia sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào cuộc họp toàn thể của ESS lần thứ 10, dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 31/10.
Malaysia nhắc lại lời kêu gọi kiên quyết ngừng bắn ngay lập tức, không cản trở tiếp cận nhân đạo. Malaysia tái khẳng định quan điểm nguyên tắc của mình rằng, người Palestine xứng đáng được hưởng sự độc lập và có chủ quyền, dựa trên đường biên giới trước năm 1967, với Đông Jerusalem làm thủ đô.